Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:59 (GMT +7)
Chuyện đời, chuyện nghề - Người đem rối nước từ nhà ra thế giới
Thứ 4, 08/11/2023 | 11:20:34 [GMT +7] A A
Tọa lạc trong một con hẻm nhỏ, khó tìm, “đậm chất” Hà Nội, ngôi nhà của nghệ nhân rối nước Phan Thanh Liêm vẫn đều đặn chào đón những khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian này. Nhiều người hàng xóm khi chỉ đường cho khách tới xem đều nói rằng: “Đó là căn nhà của người đem rối nước tại gia ra thế giới”.
Tiên phong cho rối nước mini
Sinh ra trong “cái nôi” của nghệ thuật múa rối nước, với ông nội là cụ trùm hội Phan Văn Huyên, cha là nghệ nhân Phan Văn Ngải - tác giả của thủy đình được hầu hết các nhà hát, phường rối nước sử dụng hiện nay, người tạo dựng hình tượng chú Tễu được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp), từ rất sớm, nghệ nhân Phan Văn Liêm đã luôn có mong muốn được cống hiến hết mình cho loại hình nghệ thuật dân gian này, đặc biệt là tạo dấu ấn riêng cho bản thân.
Hơn 20 năm lăn lộn trong nghề, anh luôn trăn trở về việc làm sao phổ biến rộng rãi được múa rối nước khi mà phương thức biểu diễn truyền thống quá cầu kỳ, đòi hỏi nhiều nhân lực. Bằng sự mày mò, sáng tạo, nghệ nhân Phan Văn Liêm đã dần hình thành mô hình rối nước mini nhằm khắc phục triệt để các nhược điểm trên. Và địa điểm đầu tiên anh chọn đặt mô hình chính là ngôi nhà cả gia đình đang sinh sống.
Khi được hỏi về khó khăn trong những ngày đầu đem rối nước về nhà, đặc biệt là phản ứng của gia đình, anh Liêm nở nụ cười hiền hậu, khẽ lắc đầu, cho chúng tôi biết: “Ban đầu cái gì cũng khó, tôi gần như dành toàn bộ thời gian để tạo dựng mô hình, hơn hết gia đình cũng không ủng hộ tôi hoàn toàn vì lo sợ ảnh hưởng đến không gian và sinh hoạt chung, thế nhưng dần dần rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó”.
Vượt qua tất cả sự hoài nghi, lo lắng của những người xung quanh, anh Liêm đã kiên quyết đem mô hình rối nước tại gia từ trong suy nghĩ bước ra đời thực. Anh tự mình chuẩn bị tất cả các khâu từ tân trang, sắp xếp không gian, tạo hình con rối, lên ý tưởng rồi độc diễn, làm công tác truyền thông để quảng bá mô hình,... Vào năm 2000, anh chính thức hoàn thiện và cho ra mắt sân khấu rối nước tại nhà của mình.
Hồi tưởng về những ngày xưa cũ, ánh mắt anh Liêm trông ra xa, bàn tay vẫn theo thói quen “múa”, anh kể lại thời điểm đó, khán giả chưa biết đến anh và sân khấu tại gia nhiều, thế nhưng vẫn có người tò mò đến khám phá và họ cảm thấy thích thú. Sau đó, anh tự nhận mình may mắn khi chỉ mới ra mắt mô hình một thời gian đã được báo đài, truyền thông quan tâm, đưa tin và từ đó lượng khách tìm đến căn nhà nằm sâu trong ngõ 260 chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) xem anh biểu diễn cũng nhiều hơn. Mới đây, để đáp ứng nhu cầu của khán giả, anh đã mở thêm một cơ sở biểu diễn tại ngõ 145/8 Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội.
Cũng từ việc thử nghiệm thành công mô hình rối nước tại gia này, nghệ nhân Phan Thanh Liêm đã có cơ hội mang sân khấu rối nước lưu động đến rất nhiều quốc gia trên thế giới như Ý, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ba Lan,...
“Mô hình sân khấu thu nhỏ này đã giúp tôi rất nhiều trong ước mơ giới thiệu, quảng bá văn hóa đồng quê Việt Nam tới bạn bè năm châu, thế giới”, anh Liêm tự hào chia sẻ.
Giữ nghiệp gia truyền vì đam mê hơn trách nhiệm
Từ lâu, khi nhắc đến nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người ta luôn nhớ đến câu chuyện gia đình tới bảy đời múa rối nước. Thậm chí, nhiều người cho rằng với truyền thống gia đình đáng nể như vậy, chẳng ai tội gì không tiếp nối gia truyền. Tuy vậy, trong suy nghĩ của mình, anh Liêm cho rằng để giữ được nghề, trách nhiệm chỉ là một phần, đam mê mới là yếu tố quyết định.
Múa rối nước không phải ai cũng kiên trì theo đuổi và chinh phục được. Những buổi biểu diễn phải “ngâm mình” dưới nước hàng giờ đồng hồ, nó khiến người nghệ sĩ mệt mỏi, đau nhức, thậm chí phải đối mặt với các nguy cơ bệnh lý nguy hiểm. Không những thế, vấn đề kinh tế cũng vô cùng nan giải, anh Liêm và hầu như các nghệ nhân khác đều đã từng nhiều lần trăn trở, tính toán cặn kẽ mới có thể dung hòa được giữa công việc và các nhu cầu tài chính trong cuộc sống.
Nghệ nhân Văn Liêm tâm sự có những buổi diễn công du nước ngoài, bên ngoài thì hoành tráng thế nhưng đôi lúc các nghệ sĩ còn không có đủ tiền để mua quà về cho người thân. Nghe thì có vẻ là một câu chuyện bông đùa, thế nhưng thực tế về tài chính này không hề đơn giản đối với các nghệ nhân rối nước hiện nay.
Với những thách thức như vậy, anh Liêm đặt một câu hỏi ngược lại cho chúng tôi: “Nếu là các bạn, không đủ đam mê, các bạn có làm nghề tiếp chỉ vì trách nhiệm không?”.
Câu hỏi ấy như một lời khẳng định đam mê chính là “chìa khóa vàng” để anh Liêm gìn giữ cái nghiệp truyền thống của gia phong đến tận bây giờ.
Muốn thu hút, phải đổi mới
Trò chuyện nhiều hơn, anh Liêm cho biết anh không chỉ “chờ” khách tới nhà mình xem rối nước mà anh còn đem sân khấu lưu động đi khắp nơi, trong đó nhiều nhất là đến các cơ sở, tổ chức có nhiều người trẻ như học sinh, sinh viên. Bởi lẽ, anh muốn “gieo” tình yêu văn hóa truyền thống tới thế hệ tương lai, tuy vậy anh phải thừa nhận đôi lúc mình “chạnh lòng” do biết khán giả trẻ tuổi không mặn mà với các màn biểu diễn rối nước.
Buồn là vậy nhưng anh vội vàng giải thích: “Anh không trách người trẻ, anh chỉ muốn các bạn đổi mới góc nhìn”. Theo nghệ nhân, thời đại ngày nay cho người trẻ nhiều cơ hội để tiếp cận và lựa chọn phương thức giải trí, vì vậy họ có quyền lựa chọn điều mình muốn thưởng thức và yêu thích nhất.
Tuy nhiên, “người hiện đại” là người biết cách làm cho kho tàng văn hóa của mình trở nên “đa dạng sắc màu”, và nghệ thuật truyền thống chắc chắn là một “gam màu” luôn đáng để khám phá.
Ở chiều hướng ngược lại, nam nghệ nhân cũng thừa nhận, muốn trở nên thu hút hơn, chính nghệ thuật múa rối nước và những người nghệ sĩ cũng cần đổi mới. Đầu tiên là đổi mới trong chính nội dung, ý tưởng của buổi biểu diễn, làm sao để rối nước đến gần hơn với xu hướng và nhu cầu tiếp cận của giới trẻ.
“Tôi luôn cố gắng cập nhật các vấn đề nóng hổi để đưa vào biểu diễn như giao thông hay môi trường với hi vọng thanh niên có thể yêu thích rối nước hơn”, anh Liêm cho biết.
Bên cạnh đó, nghệ nhân Phan Văn Liêm còn đề cao sự đổi mới trong giáo dục tình yêu nghệ thuật truyền thống đối với người trẻ, đặc biệt là các mầm non “nhí”. Bản thân anh cũng luôn tích cực tham gia các buổi đào tạo, giảng dạy các em nhỏ về rối nước vì anh tin rằng “chỉ khi được biết, được hiểu về rối nước từ nhỏ, thì tình yêu với nghệ thuật truyền thống mới lớn dần theo tháng năm”.
Dẫu đã bước qua tuổi xế chiều, thế nhưng sức sống và niềm đam mê với nghề vẫn luôn chất chứa trong ánh mắt, đôi tay của nghệ nhân này. Nguyện ước của anh là mô hình rối nước mini sẽ được nhân rộng, cải tiến và phát triển hơn nữa trong tương lai, để dù “khách Tây hay khách Ta” đều có thể chiêm ngưỡng thứ nghệ thuật giàu giá trị của người Việt Nam.
Nguyễn Phương Ly (Báo Truyền hình CLC K41 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()