Tất cả chuyên mục

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2010-2015 là: Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ và đồng bộ, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá... phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành một địa bàn động lực, phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.
![]() |
Sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô tại nhà máy Yazaki, Chi nhánh Quảng Ninh (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên). |
Thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược
Dấu ấn thành công của Quảng Ninh trong 5 năm qua chính là việc thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng. Để đổi mới toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững, tỉnh đã xác định, tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược.
Điều đầu tiên không thể không nhắc tới là sự đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Để gỡ “nút thắt” về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Quảng Ninh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách để tập trung và thu hút mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường ra cửa khẩu, biên giới, các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc ứng nguồn ngân sách của tỉnh để cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18A, xây dựng đường cao tốc và cũng là tỉnh đầu tiên được Trung ương giao làm chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc. Tỉnh đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường như Quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, Quốc lộ 18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340 lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà. Hiện nay tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm đảm bảo kết nối giao thông trong tỉnh, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...
Đặc biệt, Quảng Ninh cũng đã thành công trong việc thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) và triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành lập mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và 14 địa phương phục vụ cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương biểu dương, đánh giá cao, người dân đồng thuận, ủng hộ. Đây là bước đột phá quan trọng của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu tạo sự “Công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm” trong giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết. Qua đó đã hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực và tạo sự thân thiện, tin tưởng của nhà đầu tư, người dân đối với chính quyền địa phương. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công đạt trên 98%.
Bên cạnh đó, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh đã dành nguồn lực thoả đáng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đưa cán bộ, giáo viên, bác sĩ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng. Số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh tăng gấp 2,33 lần so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (năm 2010 là 48%); trong đó đào tạo nghề tăng từ 38% lên 49,5%...
Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Trường Đại học Hạ Long và đã tuyển sinh, khai giảng năm 2015. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, bước đầu đã đạt được yêu cầu về chất lượng tuyển chọn, đào tạo được đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn cao. Việc quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động xã hội của tỉnh, trung bình cả giai đoạn tăng 12,4%, trong đó lao động trong lĩnh vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 17,1%/năm.
![]() |
Khách sạn nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp VinPearl Hạ Long Bay Resort. Ảnh: Đỗ Phương |
Bước đệm cho tương lai
Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Quảng Ninh là vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, hài hoà giữa phát triển công nghiệp với việc bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Chính vì thế, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Đặc biệt, tỉnh đã có sự chuẩn bị rất bài bản cho bước tạo đà bứt phá trong những năm tới. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự bứt phá mạnh theo hướng phát triển kinh tế xanh bền vững. Tỷ trọng dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2010 lên 43,4% năm 2015, trong khi công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 50,6% năm 2015; nông nghiệp giảm từ 7,3% xuống còn 6% năm 2015. Trong 5 năm qua, Quảng Ninh luôn là một trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cao nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 9,2%/năm, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 3.910 USD, gấp 1,7 lần so với cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, giải quyết có hiệu quả những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, từng bước củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Hiện nay, để tạo ra các sản phẩm du lịch cao cấp, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án hạ tầng động lực về du lịch như Công viên Đại dương, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Hạ Long…
Song hành, khi mở rộng công nghiệp sẽ ưu tiên các ngành chế tạo, phụ trợ, chế biến - đó là những nhóm ngành “sạch”. Đặc biệt, trên cơ sở phân bổ lại nguồn lực một cách hợp lý và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, Quảng Ninh đã xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực thông qua hợp tác công - tư (PPP), đồng thời cơ cấu lại đầu tư và tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển; cân đối tập trung vào các lĩnh vực phát triển bền vững như du lịch, dịch vụ, biên mậu, thu hút FDI vào các ngành dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây đã có bước phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Những thành tựu đó đang là bước đệm vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
Nguyên Lâm
Ý kiến ()