Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:29 (GMT +7)
Chuyện đằng sau những tay chèo "vàng"
Chủ nhật, 12/02/2023 | 06:06:22 [GMT +7] A A
Để có được thành tích như mong đợi, những tay chèo "vàng" của tuyển Đua thuyền Quảng Ninh chỉ biết tập luyện và tập luyện... Điều chúng tôi khâm phục ở họ là nghị lực phi thường và những ước mơ cũng giản dị tới nao lòng.
Trường đua sông Giá rét buốt
Đầu xuân năm mới, tôi có dịp trò chuyện với HLV Đỗ Văn Hiệu, HLV xuất sắc, gương mặt thể thao tiêu biểu nhiều năm qua. Với đội tuyển Đua thuyền Quảng Ninh, năm 2022 là một năm vất vả nhưng gặt “vàng” ở Đại hội Thể thao toàn quốc (ĐHTT) và thành công ở các giải Quốc gia. Trong đó, các VĐV đã giành tới 5 HCV, vượt chỉ tiêu được giao ở kỳ ĐHTT toàn quốc 2022, giải đấu cao nhất mà bất cứ VĐV chuyên nghiệp nào cũng khao khát tỏa sáng.
Trong không khí năm mới, vừa cho các học trò khai xuân, quay trở lại tập luyện, HLV Đỗ Văn Hiệu bảo: Năm vừa qua có lẽ là cái Tết vui vẻ, ấm áp nhất của thầy trò môn Đua thuyền. Sau thành tích giành 63 huy chương các loại năm 2022, trong đó có 4 HCB SEA Games 31, 5 HCV Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, thầy trò tuyển Đua thuyền lại tiếp tục bước vào cuộc đua khốc liệt không kém là Asiad…với quyết tâm cao.
Theo chuyện kể của HLV kỳ cựu này thì dù "sinh sau đẻ muộn”, không có nhiều thế mạnh như các môn khác, Đua thuyền vượt qua nhiều khó khăn để có thành công hiện tại mà trước hết về không gian tập luyện...Nghe câu chuyện này, chắc hẳn nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi: Quảng Ninh có vùng biển rộng, nhiều vùng vịnh kín, sông hồ... sao lại thiếu không gian tập luyện, phải lặn lội sang tận Hải Phòng? Quả vậy, Quảng Ninh sẵn vịnh, biển nhưng rất hiếm sông, hồ nước ngọt rộng, lặng để tập môn Đua thuyền, vốn tập và thi đấu trong môi trường nước ngọt.
Thay vì tập huấn xa, tốn kém, từ năm 2016 đến nay, bộ môn đã đề xuất xin kinh phí tập huấn 3 - 4 tháng tại Khu huấn luyện Đua thuyền Sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Để có môi trường tập luyện tốt thường xuyên, bộ môn đã “lấy ngắn nuôi dài”, linh hoạt, tiết kiệm nguồn lực, để kéo dài thời gian huấn luyện ở đây.
Còn nhớ, có dịp hè cùng anh Hiệu tới thăm các VĐV ở sông Giá trước thềm ĐHTT toàn quốc 2022, tôi thực sự bị choáng ngợp trước cường độ và khối lượng tập luyện. Trong 3-4 tháng trước ĐHTT, khối lượng làm việc cực kì “căng” từ thể lực, chiến thuật. Cận hơn, thời điểm trước ĐHTT 1 tháng sẽ có điều chỉnh vào các cự li chuyên biệt để thi đấu. “Thời gian cao điểm này, sáng luyện tập 2 ca: từ 5-7h, 8-11h; chiều từ 14h30-17h.
Tập luyện Đua thuyền thì xác định dậy từ 5 giờ sáng với cái lạnh "cắt da cắt thịt" hay những chiều hè nóng như đổ lửa vẫn miệt mài vác thuyền xuống hồ. Vì thế khi giành được thành tích cao, vượt kế hoạch, nhiều VĐV không giấu được những giọt nước mắt” - VĐV Đinh Thị Trang, trợ lý HLV tuyển Đua thuyền chia sẻ.
Bên cạnh việc luyện tập chiến thuật thì những bài tập thể lực cũng rất được chú trọng. Hình ảnh nữ VĐV thực hiện bài tập nâng tạ làm chúng tôi thực sự ái ngại. Để giải phóng sức mạnh, những bài tập đẩy tạ của nữ VĐV có trọng lượng lên tới 70kg. Mỗi VĐV đều phải “bung” hết năng lượng để luyện tập...
"Mỗi VĐV vượt qua giới hạn bản thân, sẽ bứt phá đến những thành công mới. Trước thềm Đại hội lần thứ IX, có những buổi tập giáo án “ép” căng sức, tập trên sông cường độ cao. Có thời điểm VĐV nôn khan, “sập nguồn” nguyên 1 tuần lễ mới hồi phục. Nhưng sau mỗi lần thử thách ấy, VĐV lại đạt giới hạn thể lực mới, có đủ khả năng để chinh phục những đỉnh cao mới trong thi đấu” - HLV Đỗ Văn Hiệu chia sẻ.
Những tay chèo "vàng" giàu nghị lực
Điều làm tôi bất ngờ là môn thể thao vàng nhưng tập luyện vất vả, ít người quan tâm nên rất khó trong tuyển quân. VĐV đua thuyền đa phần đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi học trò, mỗi VĐV đều có những câu chuyện đời khiến những người nghe như chúng tôi cảm động và khâm phục.
Một trong những VĐV thế hệ "đàn chị" là Đinh Thị Trang (SN 1995), quê ở Vân Đồn, đến với đua thuyền cũng là một chữ duyên. Vì bố mẹ làm ngư dân quanh năm bám biển, Trang sống cùng người bác tại xã Vạn Yên và học tại Trường THCS Vạn Yên. Trang nhanh nhẹn, có tố chất, tích cực tham gia nhiều hoạt động Đoàn.
Với ước vọng đỡ đần được bố mẹ, giúp em có điều kiện ăn học, Trang đến với Đua thuyền khi đang học lớp 8. Với nghị lực vượt bậc, chỉ 2 năm sau khi tập Đua thuyền, năm 2010, Trang đã có huy chương ở giải trẻ Quốc gia và HCV K4 1.000m tại ĐHTT toàn quốc khi mới 16 tuổi. Nhờ đó giúp cho em trai có điều kiện học hành tốt hơn, tiền lương thưởng của Trang cũng giúp bố mẹ trang sắm được chiếc thuyền mới chắc chắn hơn khi ra khơi...
Có những trường hợp khó khăn, hoàn cảnh hết sức đặc biệt như VĐV Lý Thị Thủy (Thượng Yên Công, Uông Bí). Bố lao động tự do, mẹ đi xuất khẩu lao động. Để vay được vốn ngân hàng lo cho mẹ Thủy đi lao động, bố Thủy phải đích thân xuống Trung tâm để xin xác nhận thu nhập của hai con làm bảo đảm.
Hay như câu chuyện VĐV Nguyễn Thị Đào (SN 2001), quê ở Thanh Hóa… cũng là trường hợp khiến nhiều người cảm động. Mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ, cuộc sống trước khi đến với đua thuyền của Đào vô cùng vất vả. Đào lựa chọn đua thuyền, quyết tâm nỗ lực thi đấu, giành vinh quanh bằng những huy chương, có thêm nguồn thu nhập mua thuốc cho người bố thường xuyên đau yếu, đồng thời hỗ trợ gia đình vốn còn nhiều khó khăn.
Ý chí nghị lực đã giúp em vươn lên, trở thành một trong những chủ lực, đưa về nhiều HCV cho Đua thuyền Quảng Ninh. Gặp Đào trong buổi tập, em chia sẻ: Mong muốn của em là mỗi dịp giỗ mẹ có thể về thắp cho mẹ nén hương. Nếu trùng với lịch thi đấu, em sẽ đi chùa bái vọng mẹ. Hi vọng ở trên cao, mẹ có thể mỉm cười với thành tích em đạt được, với những nỗ lực của em giúp gia đình bớt vất vả.
Với Lường Thị Dung, VĐV trẻ quê Thanh Hóa cũng là tấm gương trưởng thành từ những khó khăn, thử thách. Gia đình với bố mẹ làm lao động tự do nuôi 3 chị em Dung ăn học. Gắn bó với đua thuyền, quyết tâm luyện tập giành huy chương là con đường để các em thay đổi cuộc sống. Chỉ có chiều cao 1m58, nhưng với nỗ lực luyện tập, cho đến thời điểm hiện tại, vị trí Dung ở đội tuyển tỉnh và quốc gia chỉ xếp sau một số VĐV xuất sắc nhất đến từ Hải Phòng.
Mỗi cảnh đời của VĐV lại là một câu chuyện, tấm gương về nghị lực, phấn đấu vươn lên thành tài. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính trong khó khăn lại càng khiến tinh thần quyết tâm của VĐV tăng lên gấp nhiều lần. Trong đội tuyển Đua thuyền còn có nhiều tấm gương VĐV trẻ tài năng, vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn như: Lý Thị Thúy, Phạm Thị Quỳnh Trang, Lý Thị Thủy, Bùi Mai Hạnh, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Trang... Đây là lớp VĐV trẻ, đầy tài năng, sớm đã khẳng định mình, là thế hệ kế cận giàu triển vọng cho lớp "đàn chị" đi trước.
Chia sẻ từng câu chuyện về mỗi học trò, HLV trưởng Đỗ Văn Hiệu không giấu nổi tự hào. Và cho tới nay, họ là những trụ cột, là những VĐV đầy tiềm năng, tỏa sáng, đem về nhiều "vàng" cho Đua thuyền Quảng Ninh. Điều chúng tôi rất khâm phục là nghị lực vươn lên, ý chí thay đổi, không đầu hàng số phận.
“Mặc dù tập luyện rất vất vả, ngoài giờ tập nhiều khi chúng em chỉ đủ thời gian nghỉ ngơi hợp lý để hồi sức. Nhưng chúng em vẫn quyết tâm theo học hết THPT rồi thi Đại học như các chị đi trước. Nhiều chị đang học, một số đã tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao. Đó là những tấm gương để tụi em noi theo" - VĐV Nguyễn Thị Đào chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những giờ tập chuyên môn, 100% VĐV đều theo học văn hóa và rất được tạo điều kiện bởi Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh. Trải lòng về những khó khăn mà mỗi học trò của mình phải vượt qua, HLV Đỗ Văn Hiệu cho biết: Sau những ngày luyện tập vất vả, chiều thứ 6, các em trong đội tuyển di chuyển từ Hải Phòng qua phà Rừng để về Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Sáng thứ 7 theo học văn hóa tại Trung tâm hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh. Chiều chủ nhật, các em lại ngược theo hành trình về lại sông Giá (Hải Phòng).
Được tạo điều kiện học tập không chỉ giúp các em có thời gian, điều kiện tập trung rèn luyện, thi đấu tốt mà còn thêm hành trang hiện thực hóa ước mơ của mỗi VĐV. Vì thế, dù học tập vất vả, chỉ riêng quá trình di chuyển đi lại lên đến hàng chục km cũng là “thử thách” lớn nhưng các VĐV đều không bỏ cuộc.
Cho đến thời điểm hiện tại, không chỉ thành công trong thi đấu, lứa VĐV "đàn chị" của Đua thuyền Quảng Ninh còn nỗ lực học tập, tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, lứa VĐV trẻ đều theo học tại Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh. Không ít trong số đó ấp ủ ước mơ trở lại làm công tác huấn luyện, đào tạo nên các tài năng cho thể thao tỉnh nhà.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()