Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:33 (GMT +7)
Chuyện của những người tình nguyện vào vùng dịch
Chủ nhật, 27/02/2022 | 14:11:12 [GMT +7] A A
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã có hàng trăm các y bác sĩ tình nguyện sát cánh cùng các tỉnh, thành phố miền Nam căng mình chống dịch Covid-19, cứu chữa người bệnh, vì sức khoẻ của nhân dân.
Từ trung tuần tháng 7 đến tháng 10/2021, nhiều thầy thuốc tình nguyện từ các bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tình nguyện vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương... Họ là những người trẻ đầy nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn kinh nghiệm thực tế trong điều trị, lấy mẫu, chống dịch.
Bác sĩ Lê Đức Vinh - Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy có những kỷ niệm không thể quên ở Bệnh viện Dã chiến số 12, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Anh kể rằng, đa số các ca bệnh chuyển nặng vào ban đêm nên lực lượng trực cấp cứu các anh phải luôn thức đêm cùng họ để sẵn sàng xử lý nhanh chóng. Vậy là một ngày chỉ chợp mắt được vài tiếng là tốt lắm rồi, hoặc tranh thủ chợp mắt được lúc nào hay lúc ấy, vì bệnh nhân nhiều, ai cũng bận.
Do có nhiều bệnh nhân chuyển nặng trong thời gian ngắn nên hằng ngày các bác sĩ đều đi khám ít nhất hai lần sáng - chiều để nắm được tình trạng, diễn biến sức khỏe của từng bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền kèm theo, suy dinh dưỡng hoặc béo phì... vậy là còn phải khám kỹ hơn để đưa ra y lệnh, đơn thuốc điều trị phù hợp.
Với Hoàng Văn Tuấn, kỹ thuật viên, Khoa Chuẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, chuyến đi tình nguyện vào Nam chống dịch bệnh trong anh đầy ắp kỷ niệm, vui có, buồn có, lo lắng cũng có. Tuấn nhớ lại, khi cùng các đồng nghiệp của mình gồm 4 nam, 2 nữ ở Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh và làm việc ở Bệnh viện dã chiến số 12, TP Thủ Đức, anh em đã được tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm âm tính.
Vậy mà chỉ mấy hôm, bỗng dưng trong nhóm có một người dương tính, trong khi hôm trước cả nhóm cùng ngồi ăn cơm với nhau. May sao, do được tiêm phòng đầy đủ qua mấy lần test nhanh và kiểm tra không có ai bị lây cả, người đồng nghiệp bị dương tính cũng chỉ qua thời gian cách ly là khỏi bệnh. Vậy là cả đội cùng thở phào, yên tâm hăng hái bắt tay vào công việc.
Đồ ăn hàng ngày của các thầy thuốc được nấu sẵn và có người mang đến, nhưng khẩu vị họ nấu cho phù hợp với người ở trong Nam nhiều cay, ngọt không hợp với người Bắc. Vậy là các thầy thuốc như Tuấn, hàng ngày ở nhà không hay vào bếp nấu nướng, nay cũng phải tay dao tay thớt. Đội của Tuấn còn chia sẻ đồ ăn cho người nhà của các bệnh nhân, do các suất ăn chỉ có cho bệnh nhân và các thầy thuốc. Trong khi, nhiều người nhà tự nguyện ở lại với bệnh nhân, thời điểm ấy, dịch bệnh rất căng thẳng, chuyện đi ra chợ không dễ.
Suốt gần 2 tháng với nhiều đêm không ngủ để làm việc nhưng khi trở về Quảng Ninh, nơi dừng chân lại không phải ngôi nhà thân yêu của anh Tuấn và các đồng nghiệp, mà họ phải cách ly ở Bệnh viện số 2 thuộc Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh. Khi đó nỗi nhớ nhà càng da diết. Ngày vợ con lên thăm, anh Tuấn chỉ muốn chạy ra ôm vợ con cho thỏa những ngày xa cách, nhưng đành phải nhìn vợ con từ xa, nhận quà của vợ qua khoảng cách ly. Khi ấy Tuấn càng thêm thấm hiểu nỗi đau của những bệnh nhân Covid-19, khi họ không được gặp mặt gia đình trong lúc nguy kịch. Tuấn thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn nữa với những bệnh nhân Covid-19.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()