Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:25 (GMT +7)
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội thành công vượt dự kiến
Thứ 2, 13/09/2021 | 22:47:24 [GMT +7] A A
Các nhà lãnh đạo của châu Âu coi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cơ hội quý để trực tiếp trao đổi cùng nhau về nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các bên.
Trong các ngày từ 5-11/9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan.
Trao đổi với phóng viên tháp tùng đoàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: “Chuyến thăm diễn ra tốt đẹp, vượt dự kiến, mang lại nhiều kết quả hết sức thiết thực có ý nghĩa đóng góp cho việc tăng cường đối ngoại đa phương cũng như thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước mà Chủ tịch Quốc hội đến thăm.”
Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước châu Âu sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ. Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị mới.
Tăng cường hợp tác nghị viện góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu
Kết quả quan trọng đầu tiên, đó là Chủ tịch Quốc hội tham dự trực tiếp Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) có bài phát biểu quan trọng trực tiếp tại Phiên toàn thể và một số phát biểu chuyên đề.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo nghị viện từ châu Âu, Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi nhân dịp dự Hội nghị.
Các nhà lãnh đạo nghị viện đánh giá rất cao vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc tham gia thúc đẩy đối ngoại nghị viện đa phương.
Trong toàn bộ chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội có các cuộc thăm, làm việc với hơn 20 lãnh đạo cao cấp của các nước và trao đổi về các vấn đề rất cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương cũng như góp phần củng cố hợp tác giữa Liên minh châu Âu và ASEAN khi hai bên vừa chính thức nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược.
Bên cạnh đó, Việt Nam nêu quan điểm mang tính xây dựng cao, đóng góp các giải pháp, kiến nghị cùng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như an ninh phát triển, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu và đặc biệt là tham gia giải quyết những vấn đề thời sự hiện nay như là hợp tác quốc tế phòng, chống đại dịch của COVID-19.
Hơn nữa, vấn đề phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, chuyển đổi kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là nội dung trọng tâm hàng đầu được nhiều quốc gia quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng qua chuyến đi này chúng ta tiếp tục khẳng định hoạt động đối ngoại nghị viện, thể hiện minh chứng sinh động của sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa ngoại giao Nghị viện và ngoại giao Nhà nước, tích cực chủ động thực hiện đối ngoại đa phương và ngoại giao song phương.
Đồng thời cũng góp phần chuyển tải tới cộng đồng quốc tế hình ảnh một đất nước Việt Nam rộng mở, chủ động, tích cực và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, “sẵn sàng hợp tác trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm với các nước để cùng nhau vượt qua đại dịch cũng như phát triển trong thời kỳ sau đại dịch,” Thứ trưởng Tô Anh Dũng nói.
Hướng tới mục tiêu hợp tác toàn diện cả thương mại và đầu tư
Các nhà lãnh đạo của châu Âu đều bày tỏ hết sức hoan nghênh, coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, coi đây là cơ hội quý để trực tiếp trao đổi cùng nhau về nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các bên.
“Lãnh đạo các nước khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác với Việt Nam, cho rằng qua đây, với vai trò của Việt Nam ở khu vực, có thể tăng cường quan hệ hợp tác với Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết.
Chủ tịch Quốc hội đề xuất nhiều biện pháp cụ thể với lãnh đạo các nước châu Âu, làm sao tăng cường các biện pháp thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) hiệu quả, cùng có lợi, đồng thời thẳng thắn đề nghị lãnh đạo nghị viện của Liên minh châu Âu, lãnh đạo nghị viện của các nước sớm thông qua phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với mục tiêu xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác toàn diện thương mại và cả về đầu tư, để các nhà đầu tư châu Âu an tâm và được khích lệ khi sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Theo ông Tô Anh Dũng, những ngày qua dù lịch trình làm việc luôn bận rộn, Chủ tịch Quốc hội đã tham gia trực tiếp các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại vào Việt Nam. “Chủ tịch Quốc hội chủ trì các diễn đàn doanh nghiệp từng nước và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi sâu sắc, lắng nghe tiếng nói đại diện hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và thế giới.”
Bên cạnh các hoạt động chính thức của Trưởng đoàn, các thành viên là Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội chủ động lịch trình gặp gỡ, làm việc với các đối tác nước ngoài để trao đổi về các lĩnh vực hợp tác riêng chuyên đề với bạn và đạt nhiều kết quả.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội chứng kiến hàng chục lễ ký kết những thỏa thuận hợp đồng kinh doanh, biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài với tổng trị giá lên đến hàng tỷ USD.
Thúc đẩy ngoại giao vaccine
Kết quả nữa cũng rất nổi bật và rất đáng ghi nhận trong chuyến thăm lần này là triển khai công tác ngoại giao vaccine.
Trước chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội gửi thư đến lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng như lãnh đạo của nghị viện của 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu, đề nghị ủng hộ hỗ trợ cho Việt Nam trong việc viện trợ, cung cấp các nguồn vaccine còn dôi dư, cũng như hỗ trợ cho Việt Nam thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị y tế và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong nước.
Trong chuyến đi, Chủ tịch Quốc hội đã gặp trực tiếp các Đại sứ Việt Nam ở châu Âu, giao nhiệm vụ tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc vận động và triển khai ngoại giao vaccine.
Qua chương trình làm việc, lãnh đạo của Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu (EC) đã chia sẻ với khó khăn của Việt Nam hiện nay, bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam, vận động lãnh đạo các nước thành viên tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận các nguồn cung vaccine còn dư của các nước thành viên Liên minh châu Âu và hỗ trợ trong việc chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine, hỗ trợ trang thiết bị y tế giúp Việt Nam.
Bỉ trực tiếp trao cho Chủ tịch Quốc hội 100.000 liều vaccine để có thể mang lên máy bay đưa về nước ngay, Slovakia cũng quyết định tặng 100.000 liều vaccine.
Một số nước khác hiện đang xem xét rất tích cực về việc hỗ trợ hoặc là nhượng lại cho Việt Nam số lượng vaccine nhất định, hỗ trợ trong việc cung cấp trang thiết bị phòng, chống dịch.
Cùng với đó, một số tổ chức, cơ quan nước ngoài và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài có các hình thức mua tặng các trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19 để ủng hộ Việt Nam với số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, kết quả đó mang ý nghĩa hết sức sâu sắc trong bối cảnh hiện nay. Đó là sự hỗ trợ giúp đỡ kịp thời, quý báu và ân tình của các nước, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam.
Đặc biệt là nhiều bà con người Việt Nam ở nước ngoài mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh vẫn dành tình cảm cũng như sự sẻ chia, chung tay góp sức hướng về quê hương Việt Nam.
Với tấm lòng và tình cảm luôn hướng về quê hương, đất nước, thật cảm động và trân trọng khi nhiều bà con vượt hàng trăm cây số đến gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trao những vật tư, thiết bị y tế và tiền mặt để Đoàn kịp mang lên chuyên cơ chở về Việt Nam, góp phần cùng đất nước phòng, chống dịch./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()