Tàu câu mực đang nghỉ đêm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, bất ngờ lốc xoáy ập đến nhấn chìm, hất văng ngư dân xuống biển làm 2 người chết, 12 người mất tích.
Chiều 20/10, gần bốn ngày sau vụ chìm hai tàu câu mực, 78 ngư dân sống sót được tàu 467 Hải quân đưa về cầu cảng ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Nhìn thấy vợ con đứng chờ tại hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3, ngư dân Hồ Văn Quận, 58 tuổi, trú xã Tam Giang, lao đến ôm chặt, nói trong nước mắt: "Tôi tưởng không còn trở về".
Ngày 5/10, ông Quận cùng 53 ngư dân xã Tam Giang lên tàu câu mực công suất hơn 900 CV ra khơi, nhằm hướng biển Trường Sa, nơi có nhiều mực và biển êm. Trên tàu, trừ thuyền trưởng Lương Văn Viên và một người nấu ăn, còn lại 52 ngư dân cứ 16h hàng ngày lại xuống thuyền thúng câu mực suốt đêm. Sáng hôm sau, họ lên tàu nghỉ ngơi. Mực tươi được đưa lên giàn phơi ngay trên boong.
Sau 12 ngày đánh bắt, đến ngày 16/10, trời âm u, thi thoảng lại nổi cơn mưa giông. Thấy thời tiết bất lợi, cộng với mấy ngày trước đánh bắt đạt năng suất, mỗi người câu được khoảng 2 tạ mực khô, thuyền trưởng Viên quyết định cho tàu dừng khai thác, thả trôi trên biển, ngư dân được nghỉ ngơi.
Khoảng 20h, khi rất nhiều ngư dân đang ngủ trong cabin, số khác ngủ trên boong tàu, vài người đang ăn tối thì bất ngờ giông gió ập tới. Trong tích tắc, gió xoáy kéo tàu lật nghiêng, xô đổ giàn phơi mực cao khoảng 2 m và hất văng ngư dân trên boong xuống biển.
Thuyền trưởng Viên lấy máy Icom gọi cho tàu bạn đang đánh bắt cách đó khoảng 20 hải lý, thông báo vị trí tàu gặp nạn. 5 phút sau, tàu chìm, kéo theo rất nhiều ngư dân đang ngủ trong cabin.
Bị văng xuống biển, chìm khoảng 2 m, ông Quận ngoi lên mặt nước nhưng lại bị giàn phơi mực quây kín. "Sóng không lớn, nhưng trời tối om, tôi cố thoát khỏi giàn phơi, gom những thanh tre làm phao cứu sinh, bơi đi tìm bạn tàu", ông kể.
May mắn lúc đó có bốn thuyền thúng nổi lên mặt nước, các ngư dân đã đu bám lên thuyền, tách thanh tre của giàn phơi mực làm tay chèo để đi vớt những ngư dân đang hoảng loạn kêu cứu. Ông Quận được đưa lên thuyền thúng sau 20 phút ngâm nước biển, người run lên vì lạnh.
Hơn 30 năm đi biển, ông Quận bảo đây là lần đầu tiên gặp lốc xoáy. "Tôi từng trải qua nhiều lần biển động, sóng lớn do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng không bất ngờ nên tàu vẫn có thể di chuyển tránh được. Lốc xoáy đến quá nhanh, anh em không kịp trở tay", ông nói.
Lên bờ với khuôn mặt nặng trĩu, thuyền trưởng Lương Văn Viên nói "đau xót vì 12 anh em đang mất tích". Người trẻ nhất 24, già nhất 62 tuổi, chủ yếu ở xã Tam Giang và Tam Quang, huyện Núi Thành, một số có quan hệ họ hàng.
"Tàu chìm, lượng lớn dầu tràn ra ngoài. Mọi người ở trong cabin, trên boong cố gắng thoát ra, nhưng có thể do bị thương, lại uống nước, uống dầu nên sức khỏe suy kiệt và chìm theo tàu", ông Viên phán đoán.
40 người sống sót leo lên bốn thuyền thúng, cầm cự đến 2h sáng thì được tàu bạn cứu. Tàu bạn sau đó đã tìm kiếm ngư dân, vớt được 2 người nhưng tử vong.
Tàu câu mực chìm ở vùng biển sâu hàng nghìn mét, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Bốn ngày qua, lúc cao điểm có khoảng 20 tàu cá của ngư dân, 4 tàu của Hải quân và Kiểm ngư tổ chức tìm kiếm, nhưng chỉ thấy phao, ngư lưới cụ, áo quần, chăn màn, không thấy tung tích nạn nhân.
Ngoài tàu của ông thuyền trưởng Lương Văn Viên, khoảng 1h ngày 17/10, tàu câu mực do ông Trần Công Trường, 42 tuổi, làm thuyền trưởng cùng 38 ngư dân bị sóng đánh chìm khi cách đảo Song Tử Tây 135 hải lý. Tàu cá gần đó cứu được 38 người, còn ông Nguyễn Duy Định, 63 tuổi, mất tích.
Chuyến câu mực thứ tư trong năm dự kiến kéo dài hai tháng rưỡi để ngư dân có tiền lo Tết không ngờ trở thành chuyến biển cuối cùng của 15 ngư dân, để lại nỗi đau cho những người ở lại. Mong muốn của các ngư dân cũng như người thân là nhà chức trách tiếp tục tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích.
Ý kiến ()