Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:23 (GMT +7)
Chương trình “Mẹ đỡ đầu”: Điểm tựa cho trẻ em thiếu may mắn
Thứ 6, 17/11/2023 | 09:53:36 [GMT +7] A A
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” từ khi triển khai đến nay đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Thông qua chương trình, hàng trăm trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh được trợ giúp về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện phát triển toàn diện, có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Vũ Thanh Hiền (SN 2013, trú tổ 4, khu 5, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long; học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Bãi Cháy) vừa được Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi với số tiền 500.000 đồng/tháng. Hiền mồ côi cả cha và mẹ, hiện ở cùng bà nội.
"Em rất cảm ơn các mẹ ở Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ, nhận đỡ đầu em, để bà nội em vơi bớt gánh nặng về chi phí học tập cho em, giúp em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Em sẽ học tập thật chăm chỉ để không phụ lòng sự giúp đỡ của các mẹ, các nhà hảo tâm, sự yêu thương của bà nội và sự quan tâm của thầy, cô giáo" - Vũ Thanh Hiền cảm động nói.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được triển khai từ tháng 1/2022 tại 13/13 địa phương trong tỉnh, với 16 đơn vị đầu mối. Đối tượng được hỗ trợ là trẻ mồ côi do dịch Covid-19, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Thực hiện chương trình, Hội LHPN các cấp đã tích cực tuyên truyền sâu rộng, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ các em cả về vật chất và tinh thần.
Để lan tỏa, thu hút sự tham gia hưởng ứng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là cán bộ, hội viên, phụ nữ trong công tác nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, năm 2023 Hội LHPN tỉnh đã phát động, triển khai Cuộc thi viết "Câu chuyện truyền cảm hứng trong Chương trình Mẹ đỡ đầu" trên địa bàn tỉnh.
Sau gần 3 tháng phát động Cuộc thi (từ ngày 10/3-31/5/2023), toàn tỉnh đã nhận được 201 bài dự thi với sự tham gia hưởng ứng của nhiều thành phần, đối tượng. Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao giải cho 12 tác phẩm đạt chất lượng cao, trong đó giải nhất thuộc về tác giả Vũ Thị Ngọc Anh (Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP Uông Bí) là trẻ mồ côi; giải nhì thuộc về tác giả Hoàng Cương (BĐBP tỉnh).
Sau gần 2 năm triển khai chương tình, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 506 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; trong đó có 5 trẻ mồ côi do dịch Covid-19, 501 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí vận động trên 4 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có có 339 "mẹ đỡ đầu" là cán bộ, hội viên, phụ nữ tại địa bàn (mẹ ở gần), 115 "mẹ đỡ đầu" gián tiếp (mẹ đỡ đầu từ xa).
Để chương trình đạt kết quả cao hơn và có tính bền vững, các cấp hội phụ nữ tỉnh đang tiếp tục phát huy vai trò kết nối, giữ thông tin liên lạc giữa các “mẹ” và các “con” mồ côi trong quá trình đỡ đầu; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Quỳnh Hương
Liên kết website
Ý kiến ()