Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:35 (GMT +7)
Chương trình giáo dục phổ thông mới với khối THPT: Cần tăng cường định hướng cho học sinh
Thứ 5, 10/11/2022 | 07:47:06 [GMT +7] A A
Sau hơn 2 tháng áp dụng, hiện nay các trường THPT trên địa bàn Quảng Ninh và học sinh đã bắt đầu thích nghi với chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2022-2023 ở khối lớp 10.
Vốn học thiên về các môn xã hội nên Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 10A2, Trường THPT thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà) đăng ký học các môn tự chọn gồm: Địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Theo Trà My, việc không phải học các môn vật lí, hóa học, sinh học, giúp em giảm tải rất nhiều, để đầu tư thời gian vào các môn bắt buộc và tổ hợp mà em đã lựa chọn, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho việc theo học các trường đại học chuyên ngành sau này.
Không chỉ với Trà My, mà nhiều học sinh khác cũng cảm thấy được giảm tải rất nhiều đối với những môn không thuộc sở trường năng lực của bản thân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 trường THPT với hơn 14.000 học sinh khối lớp 10. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Cùng với đó, trong 9 môn học tự chọn: Địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lí, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mĩ thuật, học sinh đăng ký chọn 4 môn phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.
Thực tế hiện nay, trong 9 môn học tự chọn thì mỹ thuật, âm nhạc, hầu hết các trường THPT đều chưa có giáo viên giảng dạy, nên nếu để học sinh tự lựa chọn tổ hợp môn sẽ rất khó trong bố trí, sắp xếp. Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT) Trịnh Đình Hải cho biết: Để chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trước khi bước vào năm học 2022-2023, sở đã hướng dẫn các trường tùy điều kiện về cơ cấu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... chủ động xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn để học sinh đăng ký phù hợp, tránh tình trạng không đảm bảo giáo viên giảng dạy. Bởi vậy, đến thời điểm này chưa có trường THPT nào báo cáo về việc thiếu giáo viên.
Qua tìm hiểu các trường THPT trên địa bàn cho thấy, về cơ bản đến thời điểm hiện tại, các trường chưa gặp khó khăn trong áp dụng chương trình mới. Lúng túng với các trường hiện nay chủ yếu là một số môn mới, nhất là những môn nằm trong chương trình bắt buộc như: Giáo dục địa phương; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tuy nhiên, các trường đã bước đầu khắc phục. Thầy giáo Lưu Hải Tiền, Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long) cho biết: Trường hiện có 10 lớp 10 với 450 học sinh. Với những môn tự chọn không có giáo viên, chúng tôi không đưa vào tổ hợp các môn học sinh tự chọn để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Về môn giáo dục địa phương, mặc dù là môn học bắt buộc, nhưng lại là một môn học mới, chưa có giáo án, giáo trình. Trong tháng 11, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho các trường về môn học này. Sau tập huấn, trường sẽ đưa vào giảng dạy để đảm bảo đúng chương trình.
Thực tế với trường THPT ở các thành phố, thị xã lớn như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều... học sinh học đồng đều giữa các môn tự nhiên và xã hội hơn, nên việc sắp xếp giáo viên giảng dạy cũng đảm bảo hơn. Tuy nhiên, với các trường THPT khu vực miền núi như: Ba Chẽ, Bình Liêu... học sinh thiên nhiều về những môn học thuộc, thường lựa chọn khối với những tổ hợp như địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh học, công nghệ, nên việc sắp xếp giáo viên khó khăn hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Liêu Ngô Thị Hiền cho biết: Trường có 5 lớp 10 với 184 học sinh. Thực tế đăng ký của học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 cho thấy, phần nhiều các em thiên về những môn học thuộc. Sang năm và những năm học tiếp theo, khi cả khối 10, 11, 12 đều theo chương trình giáo dục mới, nếu học sinh tiếp tục học lệch nhiều về các môn học thuộc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở môn này và thừa giáo viên ở các môn tự nhiên.
Với trường học là vậy, với các gia đình và học sinh cũng phát sinh nhiều tâm tư. Bà Nguyễn Vân Trang (khu 7, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) có con đang học lớp 9 cho biết: Theo chương trình giáo dục mới, ngay từ cấp THCS, gia đình và học sinh đã phải định hướng được nghề nghiệp cho con em mình, để lựa chọn những môn học tự chọn phù hợp khi lên cấp THPT, từ đó đủ điều kiện vào các trường đại học chuyên ngành. Tuy nhiên, xã hội mỗi năm một phát triển, lứa tuổi này các con vẫn chưa suy nghĩ sâu xa, cộng thêm các buổi tư vấn nghề nghiệp ở khối này từ trước đến nay chưa nhiều, nên gia đình rất băn khoăn.
Được biết, theo quy định, nếu học sinh lựa chọn tổ hợp môn học chưa phù hợp, trong quá trình học, các em vẫn có quyền thay đổi, lựa chọn lại. Tuy nhiên, khi lựa chọn lại, học sinh phải học những môn tự chọn lại từ đầu. Thực tế ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có tình trạng học sinh theo học ở lớp này, sau thấy các môn tự chọn không phù hợp lại xin chuyển sang lớp khác. Trên cơ sở đó, trường cũng xem xét, tạo điều kiện, đồng thời bố trí giảng dạy kiến thức những môn trong tổ hợp mà học sinh mới chuyển đến để đảm bảo theo kịp chương trình. Tuy nhiên, nếu học sinh không cân nhắc thật kỹ và kiên định với lựa chọn của mình, khi đã thay đổi, sẽ phải dành nhiều thời gian học bù những phần kiến thức còn thiếu hụt.
Để tránh tình trạng “ép” học sinh vào các tổ hợp sẵn có, mong rằng trong những năm tiếp theo, các trường kể cả khối THCS và khối THPT sẽ tăng cường công tác tư vấn giúp học sinh, gia đình thấy rõ hơn nữa sở trường, năng lực của bản thân; các ngành nghề phát triển của địa phương cần tuyển dụng nhân lực trong những năm tới. Đồng thời Bộ GD&ĐT cũng cần làm tốt phương án thi tốt nghiệp, phương án xét tuyển đại học của các trường, tránh tình trạng thay đổi theo từng năm... Qua đó, giúp học sinh lựa chọn được môn học phù hợp khi vào cấp THPT để đáp ứng nguyện vọng vào các trường đại học sau này.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()