Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:25 (GMT +7)
Chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”
Thứ 4, 13/12/2023 | 11:00:08 [GMT +7] A A
Góp phần phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế vi phạm pháp luật xảy ra, nâng cao chất lượng công tác PCCC tại chỗ, đó là hiệu quả của chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy” do Công an tỉnh đang tập trung thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn có lúc, có nơi còn xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ (VKVLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) trái phép; như săn bắn, đặt bẫy chim trời, động vật thuộc danh sách bảo tồn, thậm chí sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn...
Thông qua mạng xã hội, hoạt động mua bán trái phép VKVLN, CCHT diễn ra có phần phức tạp, tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm hành hung, cướp giật, chống người thi hành công vụ... bằng vũ khí.
Do đó, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới hơn nữa công tác đấu tranh, phòng ngừa, gắn với tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật tại cơ sở. Qua đó nhằm giúp người dân không chủ quan trước sự nguy hiểm của các loại VKVLN, CCHT. Đặc biệt là hiểu rõ sự cần thiết phải tự giác giao nộp VKVLN, CCHT cho lực lượng chức năng để có thể phòng tránh từ xa, từ sớm.
Chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy” là một trong những cách làm mới đang được Công an tỉnh tập trung thực hiện, nhất là khi có nhiều hộ không có điều kiện tự mua bình chữa cháy hoặc mua những loại bình chất lượng không tốt. Với cách thức triển khai đơn giản, bất kỳ người dân nào có VKVLN, CCHT tự nguyện giao nộp cho lực lượng công an địa phương đều được trao tặng bình chữa cháy. Khi nhận bình chữa cháy, người dân được hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản bình tại nhà, sẵn sàng chữa cháy khi cần thiết, hạn chế tối đa thiệt hại khi sự cố xảy ra. Với “lợi ích kép” này, chương trình đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của đông đảo người dân.
Để chương trình nhanh chóng lan tỏa trong đời sống, nhất là tại các địa bàn vùng cao, DTTS, các địa phương đã triển khai một cách linh hoạt. Đầu tháng 11/2023, Công an huyện Đầm Hà phối hợp với UBND xã Quảng Lâm tổ chức hội nghị tuyên truyền trước khi phát động chương trình rộng rãi. Đại diện các hộ dân và đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng DTTS được mời đến tham dự, lắng nghe về lợi ích, sự cần thiết của việc trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản. Đồng thời cảnh báo hậu quả, tác hại, những nguy hiểm và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng VKVLN, CCHT trái phép. Tại hội nghị, người dân đã tự giác giao nộp 4 súng kíp, 7 súng săn, 2 kiếm tự chế cho lực lượng chức năng đổi lấy những bình chữa cháy.
Với sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân, chương trình đang được triển khai đồng loạt trong toàn tỉnh. Qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo ANTT trên địa bàn, thực hiện tốt các phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy” trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, gây thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng (giảm 6 vụ cháy, giảm trên 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022), không có thiệt hại về người.
Với phương châm “tự phòng, tự chữa, tự thoát nạn”, lực lượng Công an Quảng Ninh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai quyết liệt các biện pháp để nâng cao hiệu quả PCCC ngay từ cơ sở; đồng thời, yêu cầu sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác PCCC.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()