Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:02 (GMT +7)
Chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Vì sao dễ bị đứt gãy
Thứ 7, 28/08/2021 | 10:39:32 [GMT +7] A A
Kể từ năm 2016, Sở NN&PTNT đã chủ trì xây dựng 4 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay 20 chuỗi liên kết với 59 nông sản đã được xác nhận. Mặc dù đã có cố gắng song với số lượng chuỗi như trên là quá ít so với sản xuất thực tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh đó tính bền vững của các chuỗi chưa cao. Điều này đặt ra vấn đề cần thiết phải nâng chất và lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Thời điểm hiện tại, TX Đông Triều bước vào cao điểm vụ thu hoạch na với áp lực phải tiêu thụ trên 6.500 tấn na. Trong khi đó, dưới tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn ra, hầu như các thị trường bao tiêu sản phẩm na đều đang thực hiện lệnh giãn cách.
Trước tình hình này, TX Đông Triều đã huy động cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm na. Nhờ những sáng tạo, quyết liệt trong tạo luồng, tuyến, cấp logo riêng cho lái xe và phương tiện vào vận chuyển, thu mua na, đồng thời phát huy các kênh thương mại điện tử và thị trường nội tỉnh, TX Đông Triều đã đảm bảo ổn định tình hình tiêu thụ na. Tuy nhiên, qua đây cho thấy, sự hoạt động trong các chuỗi liên kết tiêu thụ na vẫn chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ.
Thực tế đầu mối liên kết tiêu thụ na của bà con chủ yếu là các thương lái ngoài tỉnh và hoạt động trên cơ sở cam kết miệng, tính ràng buộc không cao, thiếu vai trò của các đơn vị thu mua, chế biến và tiêu thụ tại chỗ. Chính bởi vậy, việc tiêu thụ na thay vì dựa vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ là chính thì lại trông chờ cả vào hệ thống chính trị, vốn chỉ là giải pháp tình thế, chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể coi là lâu dài.
Cũng tại TX Đông Triều, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh nhiều năm qua “bắt tay” với người dân để sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, giống ĐT100 và ĐT120. Tuy nhiên, không ít thời điểm doanh nghiệp không thu mua được đủ lượng gạo trong chuỗi liên kết bởi một số người dân bán cho thương lái với giá cao hơn, bất chấp đã có cam kết giữa hai bên ngay từ đầu vụ. Điều này cho thấy, trong một chuỗi liên kết chỉ cần một trong số các mắt xích lỏng lẻo đều khiến cho chuỗi liên kết đứt gãy.
Không chỉ chuỗi liên kết na, gạo ở Đông Triều nói trên, hiện nhiều chuỗi liên kết nông sản chủ lực của tỉnh có tính bền vững không cao. Đơn cử như đối với con tôm thẻ chân trắng, Quảng Ninh có thể coi là vùng trọng điểm của miền Bắc với sản lượng khoảng 14.000 tấn/năm. Thế nhưng, thời điểm thương lái thu mua ồ ạt thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh cầm chắc bàn thua vì không thể tranh mua sản phẩm.
Hay như đối với con hàu, hiện sản lượng nuôi mỗi năm đạt đến trăm ngàn tấn. Cái khó là không ít vùng nuôi hàu trên địa bàn hiện đã quá tải, không đúng quy hoạch, nuôi bằng vật liệu thiếu bền vững, từ đó không được cấp các mã số vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc. Các cơ sở sơ chế, chế biến hàu thiếu chuẩn… khiến cho các đơn vị xuất khẩu không thể đặt vấn đề liên kết.
Đi sâu vào chuỗi liên kết, hiện nay một số doanh nghiệp đã “bắt tay” cùng người dân để tăng tính bền vững trong liên kết, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có việc áp dụng chính sách hỗ trợ cho các bên.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Giám đốc Công ty CP Nhựa Super Trường Phát, thời điểm này Quảng Ninh đang vận hành Nghị quyết 194 về khuyến khích đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên việc hướng dẫn một số quy định thiếu tính phù hợp khiến cho chưa chuỗi liên kết nào được hưởng lợi từ chính sách này.
Phải khẳng định liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích cho các bên tham gia, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và giá trị cao. Nhìn vào thực tế phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp của Quảng Ninh hiện nay thực sự chưa tương xứng với thực tế sản xuất, cũng như chưa đáp ứng xu thế phát triển. Chính bởi vậy, cần thiết phải có sự quan tâm, đầu tư, tháo những nút thắt trong việc nâng cao lượng và chất các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()