Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Chung xây dựng nông thôn mới: Khuyến khích ứng dụng KHCN vào sản xuất
Thứ 4, 14/10/2020 | 10:32:44 [GMT +7] A A
Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) vào phục vụ sản xuất nông nghiệp là nội dung được các địa phương chú trọng khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Bởi qua đó giúp cho sản phẩm nâng tính cạnh tranh, hiệu quả lao động nâng lên đáng kể, người dân nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi vịt trời bán hoang dã của anh Đào Duy Khương, thôn 2, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà. |
Nhắc đến sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Hải Hà không thể bỏ qua thương hiệu độc đáo “Vịt trời Duy Khương” của anh Đào Duy Khương ở thôn 2, xã Quảng Chính. Khởi nghiệp từ năm 2013 bằng đồng vốn ít ỏi, anh Khương bảo rằng hành trang quý giá nhất là sự quyết tâm dám nghĩ dám làm, tinh thần chăm chỉ lao động và sự ủng hộ của gia đình.
Được sự tư vấn kỹ thuật của Hội Nông dân huyện, anh Khương áp dụng cách nuôi vịt bán hoang dã; lựa chọn thức ăn cám, thóc, ngô với tỷ lệ tùy theo giai đoạn vịt phát triển. Anh còn quy hoạch chuồng liền kề vườn trồng cây ăn quả và ao để vịt tự do bơi lội, mò tôm cá...; sử dụng chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi từ chất thải nơi chuồng trại... Cách làm phù hợp đã giúp cho đàn vịt phát triển tốt, ít dịch bệnh, ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế.
Được biết những năm gần đây, tổng đàn luôn dao động khoảng 1.000 con. Vịt được người dân địa phương ưa chuộng, thương lái khắp gần xa tìm đến mua. Mỗi năm, khi trừ mọi chi phí, anh Khương thu lãi cả trăm triệu đồng.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) đã cho ra sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. |
Lấy ví dụ tại mô hình “Vịt trời Duy Khương” để thấy vai trò của kỹ thuật đối với việc chăn nuôi, giúp cho tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Đó cũng là ý nghĩa của việc ứng dụng KHKT nói chung, khi mỗi hộ nông dân từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ, dần quen và áp dụng những kỹ thuật sản xuất theo phương pháp tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế. Đó là những vườn cây ăn quả có hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt tự động; những vườn hoa, vườn dưa, đầm tôm... được đặt trong nhà màng, nhà lưới; những luống rau thay vì trồng trên mặt đất thì chuyển sang phương pháp thủy canh để cách ly được mầm bệnh, nguồn nước ô nhiễm, tránh được các độc tố từ chất hóa học...
Kết quả trên có được là nhờ những năm qua, tỉnh luôn quan tâm bố trí ngân sách, triển khai các chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Sở KH&CN đóng vai trò gắn kết nhà khoa học với nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, để KHCN ngày càng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và người dân tốt hơn.
Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp cũng đã vào cuộc để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KHCN cho người nông dân. Từ đó từng bước hình thành thói quen, tập quán sản xuất phù hợp, hiệu quả với những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao; từ quy mô nhỏ lẻ, phạm vi hộ gia đình để mở rộng thành các hợp tác xã, doanh nghiệp, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Mô hình trồng rau thủy canh tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều). Ảnh: Thu Trang |
Những năm qua, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã giúp kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Chất lượng, quy chuẩn, sản phẩm nâng cao do việc phát triển sản phẩm, dịch vụ đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Hiện toàn tỉnh có tổng số 173 đơn vị là doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với 435 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 191 sản phẩm đạt sao. |
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tập trung triển khai các nhiệm vụ KHCN vào nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, ứng dụng KHCN đồng bộ cho hiệu quả cao như: Vùng lúa chất lượng cao đạt 4.690ha tại Đông Triều; vùng trồng rau an toàn đạt 348ha tại Quảng Yên; vùng trồng vải 972ha tại Uông Bí; vùng nuôi tôm tập trung 9.662ha tại Đầm Hà...
Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản được hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Từ đó, nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới mang tính đột phá trong việc giải quyết những khó khăn mà các địa phương gặp phải trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Việc chủ động đưa KHCN vào phục vụ phát triển KT-XH và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, không chỉ trên cơ sở lý luận mà đã được chứng minh bằng ứng dụng thực tế. Do đó, hằng năm, các địa phương cũng quan tâm bố trí nguồn kinh phí đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhất là xây dựng vùng sản xuất tập trung, triển khai các dự án xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()