Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:13 (GMT +7)
Chúng tôi tác nghiệp ở SEA Games 31
Chủ nhật, 29/05/2022 | 14:56:50 [GMT +7] A A
SEA Games 31 tổ chức ở Quảng Ninh đã thành công tốt đẹp. Đối với cánh phóng viên chúng tôi - những người được hòa mình vào sự kiện, tác nghiệp tại sự kiện lớn này có nhiều niềm vui và cả những câu chuyện thú vị, những bài học rút ra về thông tin sự kiện thể thao lớn nhất của tỉnh từ trước tới nay.
Nhật ký SEA Games 31 và những câu chuyện chưa kể
Ngay từ khi công bố thông tin chính thức Quảng Ninh đăng cai 7/40 môn thi đấu tại SEA Games 31, các phóng viên, biên tập viên Trung tâm Truyền thông (QMG) đã chuẩn bị tinh thần đón sự kiện này. Những thông tin ban đầu là từ công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng tham gia, công tác đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, tình nguyện viên cho các đoàn tham dự...
Rồi ngày khởi tranh SEA Games cũng tới. Hồi hộp và cả lo lắng làm sao hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo giao, đảm bảo tin nhanh nhất, chính xác nhất gửi về toà soạn nhưng hơn tất cả là niềm vui được hòa mình trong bầu không khí của SEA Games 31. Toàn bộ ekip phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật... đến bộ phận hỗ trợ đều căng mình tập trung cho công việc.
Thoạt đầu, tôi nghĩ mình không vất vả như các đồng nghiệp làm tin về các môn bóng chuyền trong nhà, bóng chuyền bãi biển mỗi ngày vài ba trận đấu, khi được phân công đưa tin về môn cờ vua và cờ tướng. Thế nhưng môn thể thao này cũng có những vất vả riêng. Không chỉ là di chuyển liên tục giữa 2 điểm tổ chức thi đấu cờ vua (Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm tỉnh - TP Hạ Long) và cờ tướng (Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, TP Uông Bí), chúng tôi còn phải tìm hiểu luật cờ, cách đọc kết quả được Ban Tổ chức giải cập nhật trên mạng như... bảng mật mã. Mặc dù nắm bắt, hiểu biết nhất định về một số môn thể thao phổ biến nhưng do lần đầu tác nghiệp tại một sự kiện thể thao quy mô lớn như thế nên tôi cũng như nhiều đồng nghiệp không ít lần bị rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười”. Đó là khi tác nghiệp ở nội dung cờ tiêu chuẩn môn cờ vua, Ban Tổ chức tạo điều kiện dành hẳn khu tác nghiệp cho phóng viên nhưng muốn hình ảnh sinh động, chúng tôi vào hẳn khu thi đấu của các kỳ thủ ngay sau lễ khai mạc. Mải mê phỏng vấn, chưa kịp chụp ảnh, ghi hình cận cảnh các kỳ thủ thì toàn bộ chúng tôi được... mời ra ngoài.
Tìm hiểu mới biết, thì ra theo thông lệ của các giải đấu cờ quốc tế, để đảm bảo cho kỳ thủ tập trung thi đấu, phóng viên báo chí chỉ được tác nghiệp ghi hình ở khu vực thi đấu trong vòng 5 - 7 phút đầu ván đấu. Thậm chí các thiết bị máy ảnh sử dụng cũng cần là loại chuyên dụng, hạn chế tối đa tiếng động. Vì thế các máy ảnh điện tử được ưu tiên. Máy ảnh cơ phát ra tiếng động từ cửa chập khi chụp, được yêu cầu đứng từ xa.
Không chỉ cờ vua, môn cờ tướng cũng cho chúng tôi nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm. Ban Tổ chức đã rất chu đáo, cẩn thận khi chọn khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử yên tĩnh để tổ chức môn cờ tướng. Ngoài việc tắt chuông điện thoại, toàn bộ các thiết bị di động đều hạn chế sử dụng, đặc biệt phóng viên không được quay các trận đấu bằng các thiết bị di động có khả năng gửi hình ảnh ra ngoài. Ban Tổ chức có thể xem xét hủy kết quả trận đấu được ghi hình bằng cách đó.
“Vì thế để phục vụ khán giả theo dõi, Ban Tổ chức đã ghi và truyền hình trực tiếp các ván đấu đưa lên mạng với độ trễ 15 - 30 phút nhằm đủ thời gian để xử lý các sự cố xảy ra” - ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Tổng thư ký Liên đoàn cờ Việt Nam giải thích với chúng tôi.
Để đưa đến cho công chúng thông tin kịp thời chính xác nhất cho từng trận đấu, đòi hỏi chúng tôi phải liên tục cập nhật. Điện thoại, máy tính luôn để tình trạng online 24/24, bởi có không ít những ván cờ thi đấu chiều, kết thúc vào 21h30 tối và công bố kết quả vào... 2h30 sáng.
Trái ngược với môn cờ cần tĩnh lặng, những bộ môn bóng đá nữ, bóng chuyền bãi biển, bóng chuyền trong nhà… lại chứng kiến bầu không khí sôi động, đòi hỏi phóng viên tác nghiệp ở hiện trường theo sát từng diễn biến nhỏ nhất, khoảnh khắc bùng nổ. Từ ekip làm truyền hình đến báo điện tử đều nỗ lực hết công suất. "Lần đầu tác nghiệp ở một giải đấu lớn như SEA Games 31, đa số anh em cũng như tôi đều có nhiều bỡ ngỡ nhưng mỗi một cá nhân phải dùng cách của riêng mình để tháo gỡ khó khăn, tích lũy kiến thức để sản xuất ra những chương trình hay và ấn tượng” - Nguyễn Soái, anh bạn quay phim của phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông tỉnh chia sẻ.
Nguyễn Soái kể, khi tác nghiệp những trận bóng đá, có rất nhiều nội quy mà phóng viên chưa thể cập nhật, khiến anh và đồng nghiệp cùng ekip nhiều lần bị "việt vị". Đó là câu chuyện phóng viên quay và chụp ảnh mặc áo xanh chỉ được tác nghiệp ở khu vực sau khung gỗ sân cỏ trong suốt thời gian trận đấu diễn ra. Trong khi đó để làm một chương trình thời sự hấp dẫn cần cả không khí, phỏng vấn trên khán đài, di chuyển các khu vực kỹ thuật, vào sân…"Từ nội quy, khoảng cách, lối đi ở sân vận động cũng đều có quy định nghiêm ngặt. Chúng tôi phải nỗ lực, linh hoạt trong cách làm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - Soái chia sẻ.
“Trường học thực tế” cho phóng viên
Có thể nói được tác nghiệp ở một sự kiện lớn như SEA Games 31 là trải nghiệm thú vị. Chúng tôi học hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn, hình thức tác nghiệp chuyên nghiệp mà hiếm có cơ hội được lĩnh hội ở một trường lớp chính quy. Từ “đòn bẩy” chuyên môn này, anh em phóng viên, biên tập viên tại QMG cũng nỗ lực theo kịp xu thế chung này.
Quả thật qua thực tế, chúng tôi đã rút ra các bài học kinh nghiệm, cách khắc phục khó khăn để tác nghiệp thuận lợi nhất. Đó là đối với môn cờ, cần chủ động đến sớm, liên hệ trưởng đoàn hay các vận động viên để phỏng vấn trước trận đấu. Bởi đặc thù môn thể thao này thường gây ra căng thẳng, mệt mỏi cho kỳ thủ sau vài tiếng thi đấu, do đó, họ thường không mặn mà với phỏng vấn, chia sẻ sau trận đấu. Chúng tôi đặt vấn đề phỏng vấn kỳ thủ Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn nhưng đều thất bại bởi lý do đó.
Với môn bóng đá nữ, để kịp thời đưa thông tin về trong các bản tin thời sự trong khi số lượng phóng viên tác nghiệp có hạn, việc di chuyển qua các khu vực gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc tác nghiệp gửi hình ảnh về phải được phân rõ và phối hợp giữa các nhóm. Nhóm ghi hình cần đến sớm thực hiện phóng sự rồi gửi thẻ để nhóm được tác nghiệp trên khán đài hoặc phòng báo chí chuyển hình về cơ quan vào giờ nghỉ giữa hiệp.
Không chỉ cánh phóng viên tác nghiệp tại hiện trường mà những biên tập viên “trực chiến” tại cơ quan cũng áp lực không kém. Có những trận đấu quan trọng kết thúc vào lúc 21h00 hoặc muộn hơn, các ekip phải biên tập đến quá nửa đêm.
Về chuyện ăn uống, "Có những bữa trưa đến vội vào lúc chiều muộn hoặc chuẩn bị sẵn bánh mì và sữa ăn tạm lúc tác nghiệp đã là câu chuyện bình thường. Có những bữa nếu không có đồ ăn nhanh chắc cả ekip sẽ để bụng đói làm việc. Nhớ lại đôi khi không hiểu tại sao mình có nhiều sức khỏe để làm việc trong điều kiện áp lực về thời gian đến nhường đó" - Nguyễn Soái vui vẻ nhớ lại.
Không chỉ là những ngày “căng” mình để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi đã có rất nhiều kỉ niệm đẹp trong những ngày tác nghiệp ý nghĩa này. SEA Games 31 kết thúc, đồng nghiệp chúng tôi vẫn hay đùa nhau rằng, thật may mắn khi tham gia tác nghiệp tại SEA Games, nhờ đó chúng tôi có “tấm vé miễn phí” theo dõi rất nhiều trận đấu đỉnh cao, có cơ hội tiếp xúc, nhìn bằng da bằng thịt những VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam hoặc được hòa cùng niềm vui, chụp ảnh với họ khi họ giành HCV. Hay đặc biệt hơn là được kết bạn cùng rất nhiều phóng viên trong nước, quốc tế đến tác nghiệp tại Quảng Ninh.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()