Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:20 (GMT +7)
Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Nhiều giải pháp phù hợp
Thứ 2, 05/09/2022 | 08:52:53 [GMT +7] A A
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh luôn xác định đây là chương trình của dân, do dân, vì dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ, không làm thay. Do đó, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ; chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện những giải pháp phù hợp; huy động đa dạng nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM.
Huy động nguồn lực từ nhân dân
Phát huy vai trò đông đảo của lực lượng lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể chung tay xây dựng NTM. Để góp phần giúp huyện Bình Liêu đạt chuẩn NTM trong năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ cho 140 hộ dân tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí xã NTM với số tiền 560 triệu đồng; Công đoàn Viên chức tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây cổng chào nhà văn hóa thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô với số tiền 20 triệu đồng; LĐLĐ TP Hạ Long đã ủng hộ 130 triệu đồng... Được biết, toàn bộ kinh phí ủng hộ xây dựng NTM do đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh đóng góp.
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Huyện đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Đây là nguồn lực hỗ trợ, động viên, khích lệ rất lớn đối với địa phương để có thể hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu. Huyện đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc, giám sát nhằm thực hiện hiệu quả các nguồn lực. Tính đến nay, Bình Liêu đã đạt 16/19 tiêu chí, 47/57 chỉ tiêu xây dựng NTM. Huyện đang tập trung vào nhóm chỉ tiêu về thu nhập và chất lượng môi trường sống.
Bên cạnh đó, nguồn lực từ nhân dân chính là nền tảng quan trọng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Do đó, các địa phương chủ động triển khai nhiều cách làm sáng tạo nhằm tạo sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân. Đơn cử như huyện Ba Chẽ, môi trường là một trong những tiêu chí địa phương này phải hoàn thành trong năm nay. Do đó, huyện đã tuyên truyền, vận động, huy động người dân tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh”, trồng các tuyến đường hoa...
Các tổ chức chính trị - xã hội với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua gắn với trách nhiệm của từng đơn vị. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, hướng dẫn cho hơn 2.000 lượt người dân quy trình xử lý rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh tại các hộ gia đình; ra mắt 10 mô hình phân loại rác thải tại gia đình, thuộc các xã Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Sơn, Đồn Đạc và thị trấn Ba Chẽ; duy trì mô hình biến rác thải thành tiền...
Phát huy vai trò nguồn vốn ngân sách
Năm nay, TP Hạ Long là một trong số các địa phương về đích NTM. Để về đích đúng hẹn, TP Hạ Long xác định năm 2022 là năm tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định. Sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, nhiều xã ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, thu nhập người dân còn hạn chế... Sau khi rà soát, đối chiếu những tiêu chí, chỉ tiêu các xã còn thiếu để đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, thành phố đã cân đối, bố trí 88,3 tỷ đồng để thực hiện đầu tư công trình. Trong đó, 32,5 tỷ đồng để hoàn thiện tiêu chí NTM tại xã Thống Nhất và Vũ Oai; 35 tỷ đồng cấp bổ sung các mục tiêu cho UBND 12 xã đầu tư xây dựng 66 công trình hạ tầng; 402 triệu đồng để thực hiện 3 dự án trọng điểm lồng ghép đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng, KT-XH.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách địa phương, nhằm hỗ trợ các địa phương hoàn thành những mục tiêu xây dựng NTM, tỉnh đã quan tâm, ưu tiên, dành nguồn lực từ ngân sách. Theo đó, từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phân bổ 950 tỷ đồng bằng nhiều chương trình khác nhau cho các địa phương đầu tư xây dựng các công trình để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương 400 tỷ đồng cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thực hiện 15 công trình. Đồng thời, bổ sung kinh phí năm 2022 để đầu tư xây dựng các trường PTTH tại huyện Bình Liêu, Ba Chẽ với kinh phí 207 tỷ đồng.
Đối với chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh đã phân bổ 500 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho 7 địa phương đầu tư xây dựng 82 hạng mục công trình như: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải chợ trung tâm huyện Đầm Hà; đường vào nghĩa trang, nhà tang lễ, mặt bằng khu an táng huyện Đầm Hà; điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Liêu...
Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh 50 tỷ đồng để thực hiện giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Hiện, các đơn vị liên quan đang hoàn thiện thủ tục cấp bổ sung 100 tỷ đồng ngân sách tỉnh theo Nghị quyết 96/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng NTM tại Quảng Ninh đang thực sự lan tỏa, rộng khắp, đi vào chiều sâu. Trong đó, mỗi người dân đã thực sự phát huy vai trò làm chủ của chương trình. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2022, cũng như, từng bước xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.
Ông Lý Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Liêu: "Sự quan tâm ủng hộ của tỉnh, huyện và nhân dân". Thực hiện chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, huyện đã nhận được sự quan tâm ủng hộ về nguồn lực của tỉnh, huyện và nhân dân. Bằng các nguồn lực, huyện đã triển khai các dự án nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống như: Nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C; cải tạo hệ thống các tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu (giai đoạn 1); xây mới Trường THPT Bình Liêu; xóa nhà dột nát... qua đó, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM trong năm 2022.
Bà La Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên: "Thúc đẩy du lịch của xã"
Sau khi hoàn thành chương trình NTM nâng cao năm 2021, hiện xã Phong Dụ đang tiếp tục huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện các tiêu chí, nỗ lực phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu. Bên cạnh sự cố gắng của địa phương, thời gian tới, chúng tôi hy vọng rằng sẽ được tỉnh và địa phương quan tâm bố trí nguồn lực thúc đẩy du lịch của xã. Đây là định hướng phát triển của Phong Dụ trong thời gian tới. Bởi địa phương đang sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch trải nghiệm thể hiện được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc bản địa vùng núi Đông Bắc như: Thác Khe San, đình Đồng Đình, lễ hội đình...
Bà Hoàng Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Vũ Oai, xã Vũ Oai, TP Hạ Long: "Các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và địa phương"
Thời gian qua, các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và địa phương. Bằng nguồn lực của địa phương, năm học này, trường đã được quan tâm đầu tư xây mới, hoàn thành, đưa vào sử dụng 1 khu nhà 4 tầng khang trang và nhiều công trình phụ trợ khác như: Nhà để xe, sân giáo dục thể chất, trạm điện, sân trường... Cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, đầy đủ khiến cô và trò nhà trường vô cùng phấn khởi, tạo niềm tin cho phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện dồn ghép 45 học sinh ở điểm lẻ Đồng Chùa về điểm trường trung tâm.
Ông Vi Văn Tuyên, thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương, TP Hạ Long: "Huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực phát triển sản xuất"
Giống như nhiều hộ dân trên địa bàn xã, gia đình tôi có 5ha trồng ổi, mang lại việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Được sự quan tâm của thành phố, nhiều công trình kênh mương, đường vận chuyển, đập tràn... đã được triển khai trên địa bàn xã. Các công trình này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, canh tác, hình thành vùng chuyên canh, mà còn thông thương, buôn bán, tiêu thụ hàng hóa. Hy vọng rằng, thời gian tới, tỉnh và thành phố sẽ tiếp tục huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực đầu tư hạ tầng cho vùng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thương hiệu địa phương. Đồng thời, từng bước nghiên cứu chế biến, sản xuất, bảo quản sản phẩm từ ổi, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()