Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:54 (GMT +7)
Chứng khoán tuần tới tăng hay giảm?
Chủ nhật, 03/04/2022 | 11:12:38 [GMT +7] A A
Tuần tới thị trường sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ như kết quả kinh doanh quý I/2022 của các DN dần hé lộ; gói hỗ trợ kinh tế trị giá 340.000 tỷ đồng cũng sẽ được giải ngân...
Một tuần giao dịch đã qua đi với khá nhiều các tin tức trong nước về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) bị bắt tạm giam hành vi thao túng thị trường chứng khoán; che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, cùng đó một lãnh đạo của ngành chứng khoán cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra những sai phạm. Những tưởng thị trường đã chao đảo trước những tin tức tiêu cực, nhưng thực tế thị trường lại phản ứng khá tích cực, nhất là trong phiên giao dịch cuối tuần để giúp VN-Index có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp và tiến gần đỉnh lịch sử.
Giới phân tích cho biết, tuần tới thị trường sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ như: kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp dần hé lộ; gói hỗ trợ kinh tế trị giá 340.000 tỷ đồng cũng sẽ được thúc đẩy giải ngân. Đây là những động lực giúp thị trường chứng khoán hướng đến các đỉnh cao mới.
Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, tuần từ 28/3-1/4 là tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp của chỉ số VN-Index, cùng đó mức thanh khoản được cải thiện cho thấy dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường.
Công ty chứng khoán này nhận định, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang được cải thiện và sắp tới sẽ là thời điểm mà các kết quả kinh doanh quý I/2022 được hé lộ cũng như kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố trong kỳ họp đại hội cổ đông thường niên. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ kinh tế trị giá 340.000 tỷ đồng cũng sẽ được thúc đẩy giải ngân trong thời gian tới. Những điều kể trên được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tiếp tục hướng tới những mức cao mới.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo, từ 4 - 8/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.530-1.550 điểm.
Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường kiểm tra vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong phiên 14/3 và 15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lời nếu thị trường tiến tới vùng kháng cự mạnh kể trên, SHS khuyến nghị.
Cùng quan điểm tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, sau phiên tăng điểm cuối tuần qua (1/4), chỉ số VN-Index hiện đang đối diện với vùng kháng cự 1.515 - 1.520 điểm. Trong khi khối lượng giao dịch tăng lên và vượt đường trung bình 50 ngày cho thấy khả năng chỉ số VN-Index vượt vùng kháng cự này và hướng đến thử thách vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, ngay đầu tuần giao dịch qua (28/3), tin đồn liên quan đến việc bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã khiến thị trường chao đảo, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực bán mạnh, nhiều mã trong nhóm này đã giảm sàn, kéo theo VN-Index rời xa mốc 1.500 điểm về 1.483 điểm.
Nhà đầu tư sau đó đã bình tĩnh hơn, giúp VN-Index ổn định quanh 1.490 trong 3 phiên tiếp theo trước khi bứt phá, tăng mạnh hơn 24 điểm trong phiên thứ 6 ngày 1/4.
Việc VN-Index vượt ngưỡng 1.500 điểm,giúp xu hướng ngắn hạn và trung hạn cùng có trạng thái tăng. Trong tuần sau nếu tiếp tục tăng điểm, VN-Index sẽ gặp vùng kháng cự đáng chú ý là 1.520 điểm - 1.534 điểm. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức cao nhất trong thang đánh giá của Mirae Asset Việt Nam là khả quan.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), một tuần giao dịch đã qua đi với khá nhiều các tin tức trong nước về việc bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp cũng như kỷ luật những lãnh đạo của ngành chứng khoán.
Những tưởng thị trường đã "chao đảo" trước những tin tức tiêu cực, nhưng thực tế thị trường lại phản ứng khá tích cực, nhất là trong phiên giao dịch cuối tuần để giúp VN-Index có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp. Thanh khoản khớp lệnh cũng được cải thiện tuy vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần, nhưng đã cho thấy dòng tiền đang đổ vào thị trường mạnh hơn.
Tuy nhiên các nhóm ngành cổ phiếu lại có sự phân hóa. Cổ phiếu ngành công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 13,4% giá trị vốn hóa, nhờ sự xuất sắc của trụ cột trong nhóm là FPT tăng 16%, CMG tăng13%...
Tiếp theo là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 3,3% giá trị vốn hóa, nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu ngành bán lẻ như MWG tăng 12,3%, DGW tăng 3,9%... Nhóm hàng tiêu dùng cũng tăng 3,2% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu trụ cột là VNM tăng 8,6%, SAB tăng 5%...
Nhóm ngân hàng tăng 2,1% giá trị vốn hóa, đóng góp khá tích cực vào mức tăng chung của thị trường. Các cổ phiếu: VCB tăng 0,4%, BID và ACB đều tăng 2,1%, CTG tăng 2,6%, VPB tăng 5%, MBB tăng 4,7%... Ngành dược phẩm và y tế tăng nhẹ 0,4% giá trị vốn hóa.
Ở chiều ngược lại, giá dầu điều chỉnh trong tuần qua khiến cổ phiếu dầu khí mất 2,4% giá trị vốn hóa. Các mã như BSR và PVS đều giảm 2,6%, PVC giảm 4,8%, PVD giảm 5,5%,OIL giảm 7,5%, PVB giảm 7,6%...
Ngành nguyên vật liệu giảm 1,5% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu thép HPG giảm 1,5%, NKG giảm 3,9%, HSG giảm 5,5%... và các cổ phiếu hóa chất DPM giảm 5,1%, DCM giảm 5,4%... Các ngành còn lại giảm nhẹ, gồm: tiện ích cộng đồng và công nghiệp đều giảm 0,8%, tài chính giảm 0,1%.
Chốt tuần giao dịch từ 28/3- 1/4, VN-Index đứng ở mức 1.516,44 điểm, tương ứng tăng 17,94 điểm so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 7,65 điểm xuống 454,1 điểm. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm xuống 117,19 điểm. Khối ngoại giao dịch vẫn khá tích cực mua ròng 1.013 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiến đến các mốc cao mới nhờ diễn biến nội tại khá vững vàng và động lực được tiếp thêm từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I và giải ngân đầu tư công. Trong khi đó giới phân tích cho rằng, các thị trường chứng khoán thế giới sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới.
Chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine
Tại châu Á, trong phiên giao dịch chiều 1/4 các thị trường chứng khoán hầu hết giảm điểm do các nhà giao dịch đánh giá tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng theo dõi chặt chẽ kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để kiềm chế lạm phát.
Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6% xuống 27.665,98 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 21.957,38 điểm. Các thị trường Sydney, Seoul, Đài Bắc, Manila, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng đều giảm điểm. Riêng chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,9% lên 3.282,72 điểm.
Chuyên gia Jeffrey Halley của OANDA cho biết, quý II/2022 thị trường sẽ có thể chịu "những luồng gió mạnh từ nhiều hướng khác nhau" và sẽ còn có nhiều biến động. Còn chuyên gia Anwiti Bahuguna tại Columbia Threadneedle Investments cho rằng việc hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc cần phải theo dõi rất cẩn thận.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Phố Wall chịu chi phối từ diễn biến trong đàm phán Nga-Ukraine và số liệu mới về tình hình việc làm Mỹ.
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,1%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7%.
Chốt phiên 1/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 34.818,27 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,34% lên 4.545,86 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,29% lên 14,261,50 điểm.
Chứng khoán Phố Wall đã sụt giảm trong hai tháng đầu năm 2022 giữa những lo ngại về cuộc khủng hoảng Ukraine và các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ và kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Art Hogan, chiến lược gia tại công ty dịch vụ môi giới chứng khoán National Securities (Mỹ) nhận định, thị trường đang ở tình trạng tốt hơn so với đầu quý I/2022, khi giá cổ phiếu đã phục hồi phần nào trong tháng Ba.
Ryan Detrick, chiến lược gia tại công ty dịch vụ tài chính LPL Financial, có trụ sở tại Mỹ dự báo tháng Tư có xu hướng là một tháng tăng mạnh mẽ đối với chứng khoán.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()