Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:33 (GMT +7)
Chuẩn bị tốt điều kiện đón vốn đầu tư mới
Thứ 6, 12/05/2023 | 08:21:26 [GMT +7] A A
Quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu và xu hướng hút ngược vốn quay trở về các nước xuất khẩu đầu tư kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine khiến dòng chảy đầu tư toàn cầu tiếp tục bị thu hẹp.
Trước biến động này, Việt Nam đang có những điều chỉnh cần thiết trong thực thi chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài để phù hợp với bối cảnh mới.
Dù chưa thể đảo chiều nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong tháng 4/2023 đã có cải thiện so với quý I/2023, khi tốc độ giảm so cùng kỳ chỉ còn 17,9%. Kết quả này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của thị trường trước cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh lâu dài ở Việt Nam.
Những cam kết “tỷ đô”
Cuối tháng 3/2023 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) thông qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Khoản đầu tư từ đối tác Nhật Bản sẽ mang lại cho VPBank khoảng 35.900 tỷ đồng (1,5 tỷ USD), không chỉ xác lập kỷ lục mới của ngành ngân hàng mà còn trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất kể từ đầu năm đến nay thông qua hình thức góp vốn mua cổ phẩn của nhà đầu tư nước ngoài.
Với dự án “khủng” của VPBank và SMBC, báo cáo tình hình thu hút vốn FDI ghi nhận ngành hoạt động tài chính ngân hàng là lĩnh vực thu hút vốn lớn thứ hai trong số 18 ngành nhận đầu tư, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Diễn biến tích cực khác là trong khuôn khổ hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài mới đây, ba tập đoàn lớn đã cam kết sẽ tăng vốn và đầu tư mới 3,7 tỷ USD trong năm nay.
Cụ thể, nhà đầu tư Hàn Quốc cam kết rót vốn trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, logistics với quy mô khoảng 1,6 tỷ USD; các nhà đầu tư của Liên bang Đức dự kiến đầu tư 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất xanh, năng lượng tái tạo; các doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn khoảng 600 tỷ USD trong lĩnh vực thiết bị y tế.
Nhận xét về tình hình thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá vốn thực hiện của các dự án vẫn giảm so cùng kỳ nhưng đã có cải thiện. Đáng lưu ý, vốn đầu tư mới đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong quý I/2023; số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so cùng kỳ và tăng mạnh trong tháng 3/2023.
Trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dòng vốn đầu tư chững lại, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam không thể tránh được tác động tiêu cực nhưng vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đang có những bước tiến bộ đáng kể.
Kết quả khảo sát năm 2022 do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện cho thấy, có 60% số doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khu vực ASEAN. Còn theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố đầu năm 2023, Việt Nam được đánh giá thuộc Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam.
Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu
Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết có dấu hiệu các tập đoàn lớn tỏ ra cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong các kiến nghị gửi đến Chính phủ, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế giảm hoặc bị hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Đồng quan điểm, Chủ tịch EuroCham, ông Gabor Fluit kiến nghị Chính phủ cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Theo ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam, thiết lập môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán được là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
Chính phủ cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
|
Lý do vì việc tham gia trụ cột thứ hai của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến mức thuế ưu đãi của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp FDI, ảnh hưởng toàn diện đến hiệu quả của các nhà đầu tư. “Việt Nam cần đánh giá lại các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp hỗ trợ thay thế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình sau khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ giúp giữ chân doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn và sức cạnh tranh ngày càng cao trên thế giới”, ông Dominik Meichle nói.
Để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư toàn cầu đang trở nên gay gắt, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách trong ngắn hạn:
Chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư để xử lý triệt để ngay ở cấp cơ sở, không để khó khăn tồn đọng kéo dài; tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, như chuẩn bị mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị; đồng thời chuẩn bị sẵn các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024 nhằm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư để xử lý triệt để ngay ở cấp cơ sở, không để khó khăn tồn đọng kéo dài; tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới.
|
Trong dài hạn, các bộ, ngành, địa phương cần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; gia tăng giá trị sản xuất nội địa; điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể; đa phương hóa, đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư…
Về phía các doanh nghiệp FDI cần thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tận dụng cơ hội, lợi thế mỗi bên và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Các doanh nghiệp FDI cần xây dựng tinh thần chia sẻ, hợp tác và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, tổ chức sản xuất, kinh doanh bền vững, tuân thủ pháp luật, luôn đổi mới công nghệ để mỗi doanh nghiệp đều là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()