Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:50 (GMT +7)
Chữa lành những "nhịp đập"
Thứ 2, 22/04/2024 | 08:56:51 [GMT +7] A A
“Trước đây, để được chữa trị bệnh tim, chúng tôi phải đến các bệnh viện tuyến trung ương. Nhưng bây giờ chỉ cần đến các bệnh viện tuyến tỉnh, ở đó luôn có những thầy thuốc tận tâm giúp điều trị bệnh cho chúng tôi”. Rất nhiều bệnh nhân tim mạch đã chia sẻ như vậy. Hiện nhiều bệnh viện tuyến tỉnh tại Quảng Ninh đã triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tại địa phương, giảm tải cho tuyến trên.
Hồi sinh nhiều cuộc đời
Gần 1 tháng trước, bà Đoàn Thị Làn (73 tuổi, TP Cẩm Phả) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong tình trạng suy tim, nguy cơ đột tử rất cao. Cách đây 10 năm, bà Làn được phát hiện bệnh hẹp van 2 lá do thấp tim. Tuy nhiên, bà Làn không điều trị thường xuyên nên bệnh tim ngày càng nặng. Khi được đưa vào BVĐK tỉnh, qua thăm khám, các bác sĩ thấy van động mạch chủ bị dày, vôi hóa, co rút dính các mép van, hẹp khít nặng (diện tích lỗ van chỉ còn 0,45cm2). Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ khít, hở van 2 lá vừa, suy tim.
Xác định đây là ca bệnh nặng, Bệnh viện đã xin hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành tuyến trung ương, kíp phẫu thuật tim hở của BVĐK tỉnh đã tiến hành mổ tim thay van động mạch chủ sinh học cho người bệnh. Với loại van này, bệnh nhân chỉ phải uống thuốc chống đông sau 3 tháng phẫu thuật, không phải sử dụng thuốc chống đông suốt đời, nâng cao chất lượng cuộc sống về sau cho người bệnh.
Trải qua ca phẫu thuật lớn nhất trong cuộc đời khi tuổi đã cao, bà Làn xúc động chia sẻ: "Sau khi được mổ tim, tôi không còn bị ngất đột ngột hay đau tức ngực, khó thở như trước. Hiện tôi đã đi lại, ăn uống tốt. Tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ đã cứu sống tôi".
Với anh Lê Anh Tuấn (43 tuổi, huyện Vân Đồn) ca mổ tim lần thứ 2 này đã có thể yên tâm phẫu thuật, điều trị tại tỉnh mà không phải đi Hà Nội. Anh Tuấn chia sẻ: Cách đây 20 năm, tôi đã phẫu thuật thay van hai lá, van động mạch chủ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội). Cách đây 6 tháng tôi phải cấp cứu nhồi máu cơ tim, được chỉ định mổ thay van tim. Tôi đã lên kế hoạch mổ lại ở Hà Nội. Nhưng gần đây tình trạng bệnh của tôi trở nên nặng hơn, khó thở, đau tức ngực trái, cơn đau kéo dài không thuyên giảm, nên tôi được gia đình đưa vào BVĐK tỉnh cấp cứu. Tại đây tôi được các bác sĩ chẩn đoán bị hẹp khít van hai lá, hở van ba lá nhiều. Sau khi được giải thích về tình trạng bệnh và hoàn toàn có thể phẫu thuật, tôi đã yên tâm ở lại Bệnh viện phẫu thuật, điều trị.
Ca mổ tim cho bệnh nhân Lê Anh Tuấn mất hơn 8 tiếng đồng hồ, là ca phẫu thuật tim dài nhất từ trước đến nay ở BVĐK tỉnh. Hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể phải sử dụng thuốc để làm liệt quả tim đến 2 lần mới đảm bảo thời gian phẫu thuật. Đặc biệt quá trình mổ, kíp phẫu thuật tim hở phải đối diện với nhiều khó khăn do quá trình mở xương ức và bộc lộ tim rất khó, phức tạp. Giải phẫu tim không còn nguyên vẹn, dính liền với các tổ chức lành, mạch máu không rõ ràng, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình bóc tách, tránh biến chứng chảy máu khó cầm cả trong và sau mổ. Bệnh nhân được truyền bổ sung máu và các chế phẩm máu để hồi sức tích cực sau ca đại phẫu kéo dài. Đến nay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hồi phục rất tốt, các chỉ số xét nghiệm ổn định.
Trên đây là hai trong 5 ca mổ tim phức tạp vừa được các bác sĩ BVĐK tỉnh thực hiện thành công đầu tháng 4/2024. Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng Khoa Ngoại, BVĐK tỉnh, cho biết: Bên cạnh những ca bệnh đơn giản, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện các cuộc mổ tim với độ khó, phức tạp ngay cả với tuyến trung ương, như bệnh nhân tuổi cao kèm nhiều bệnh lý nền; bệnh nhân đã từng phẫu thuật thay van tim nhiều năm, mất giải phẫu; bệnh nhân có lá van xơ cứng, hẹp, vôi hóa… Đây là kết quả của cả một quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để hôm nay người dân Quảng Ninh có thể yên tâm được chăm sóc tận tình, chu đáo khi không may mắc các bệnh lý về tim mạch.
Trong 8 năm qua, BVĐK tỉnh đã thực hiện gần 120 ca mổ tim hở. Kết quả này là nhờ sự đầu tư đúng hướng của tỉnh, của ngành Y tế và sự nỗ lực không ngừng vươn lên của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế BVĐK tỉnh để duy trì thường xuyên và nâng cao kỹ thuật mổ tim hở tại đơn vị. Qua đó đã mở ra hy vọng điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phức tạp được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao tại tỉnh với mức chi phí hợp lý.
Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh tim mạch
Không phải cứ mắc bệnh tim sẽ phải phẫu thuật, vì còn có một phương pháp khác được đánh giá là an toàn và mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh tim đó là can thiệp tim mạch. Hiện các Bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Vinmec Hạ Long, Sản Nhi đã làm chủ từ những kỹ thuật đơn giản đến phức tạp trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, như: Can thiệp đốt rối loạn nhịp bằng sóng có năng lượng tần số radio, đặt stent graft động mạch chủ, đặt stent mạch vành, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, can thiệp động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng…
Từ năm 2013 Bệnh viện Bãi Cháy là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch: Kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn; trong đó chụp và can thiệp mạch vành qua da là một kỹ thuật cao đã được các bác sĩ của Bệnh viện làm chủ từ năm 2015 đến nay. Kỹ thuật can thiệp mạch vành đã thay thế cho nhiều phẫu thuật mổ hở phức tạp trước đây. Kỹ thuật này sử dụng các dụng cụ chuyên dụng luồn 1 ống thông từ động mạch ở cổ tay lên đến vị trí mạch máu bị tắc, hẹp, làm khôi phục dòng chảy trong mạch máu. Bệnh nhân chỉ phải chọc động mạch quay xâm lấn lỗ chọc mạch rất nhỏ; vẫn tỉnh táo khi làm can thiệp và vết chọc mạch liền sau 6 giờ. Với ưu điểm ít xâm lấn, bệnh nhân được can thiệp mạch vành có tốc độ phục hồi sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Chinh (xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều), chia sẻ: Tôi bị khó thở, mất ngủ nên đã đi khám ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội). Tại đó, các bác sĩ xác định tôi bị hẹp khít động mạch vành và giới thiệu về Bệnh viện Bãi Cháy điều trị, can thiệp. Vừa được điều trị gần nhà vừa được hưởng các quyền lợi y tế cũng như điều kiện chăm sóc tốt nên tôi rất yên tâm điều trị. Đến nay sức khỏe đã tốt lên, tôi rất mừng.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh Trình, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy, cho hay: Trước đây những bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim phải lên tuyến trên điều trị. Nhưng từ khi triển khai được kỹ thuật can thiệp tim mạch, bệnh nhân tin tưởng ở lại Bệnh viện, nhiều ca được cứu sống rất ngoạn mục. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục đề xuất lãnh đạo Bệnh viện cử đi đào tạo để có thêm bác sĩ thực hiện tốt kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Đồng thời phát triển các kỹ thuật mới, như can thiệp động mạch ngoại biên, tĩnh mạch ngoại biên, can thiệp mạch máu não…
Với sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của tuyến trung ương, đến nay Bệnh viện Sản Nhi có đội ngũ các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch làm chủ các kỹ thuật về gây mê, tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật, hồi sức, can thiệp tim mạch và các kỹ thuật siêu âm chẩn đoán, điều trị nội khoa... Bệnh viện được đầu tư hệ thống chụp mạch xóa nền 2 bình diện DSA, xây dựng phòng can thiệp tim mạch hoàn chỉnh.
Các bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao một số kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị nội khoa về lĩnh vực tim mạch cho các bác sĩ ở tuyến huyện. Nhờ vậy người bệnh được chẩn đoán kịp thời, chính xác để có hướng điều trị tốt nhất, đồng thời giúp người dân đỡ tốn chi phí, thời gian lên tuyến trên để khám, chữa bệnh.
Các bệnh lý tim mạch để lại hậu quả vô cùng lớn cho sức khỏe của người dân. Do đó việc chăm sóc, sử dụng các biện pháp kỹ thuật giúp đỡ, hỗ trợ, điều trị đối với các bệnh nhân tim mạch là hết sức quan trọng. Bằng sự tận tâm của đội ngũ thầy thuốc Quảng Ninh, nhiều ca bệnh tim mạch nặng đã được hồi sinh.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()