Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:24 (GMT +7)
Chưa hết lo dù xuất khẩu phục hồi tốt
Thứ 5, 18/04/2024 | 09:53:23 [GMT +7] A A
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, hoạt động xuất khẩu hàng hóa những tháng đầu năm đã có bước khởi sắc và đạt được kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ba tháng đầu năm ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%). Bên cạnh đó, cán cân thương mại cũng tiếp tục duy trì mức thặng dư với giá trị xuất siêu đạt 8,1 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Mặc dù kết quả quý I khả quan, tuy nhiên nhiều thách thức vẫn tồn tại, có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu còn phụ thuộc một số thị trường chính, tiềm ẩn không ít rủi ro, đồng thời, đóng góp của doanh nghiệp trong nước vào xuất khẩu cũng còn hạn chế, chỉ chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều điểm sáng
Tổng cầu thế giới quý I năm 2024 đã duy trì được xu hướng phục hồi từ quý IV năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng từ mức 0,2% năm 2023 lên 2,3% năm 2024 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định tăng trưởng thương mại thế giới sẽ đạt 3,3% năm 2024.
Trong bối cảnh nhiều thị trường đã phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý I đã tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả ba nhóm hàng chính: nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 23,8%; nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 79,6 tỷ USD, tăng 17,5%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,13 tỷ USD, tăng 12,1% so cùng kỳ.
Sản xuất trong nước phục hồi khá tốt được cho là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua. Vụ trưởng Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Đinh Thị Thúy Phương cho biết: Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính trong quý I, có đến 35/45 (đạt 77,8%) nhóm hàng có kim ngạch tăng so cùng kỳ, chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch tăng mạnh so cùng kỳ là điện tử máy tính và linh kiện tăng 30,3%; sắt thép các loại tăng 32,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%. Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt so cùng kỳ như: cà-phê tăng 54,2%; hạt điều tăng 20,2%; rau quả tăng 25,8%; gạo tăng 40%;…
Một điểm sáng khác của xuất khẩu quý I là sự phục hồi tốt ở hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn. Trong đó, Hoa Kỳ vừa là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường hồi phục tốt nhất với kim ngạch ước đạt 26,06 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 25,5% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giảm 21%); tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 10,2%); thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 10,3%); Hàn Quốc ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 5,4%); Nhật Bản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,4% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%).
“Kết quả tích cực của xuất khẩu cho thấy doanh nghiệp của Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng được thế giới tin dùng. Xu hướng cầu thế giới với một số mặt hàng của Việt Nam đã bắt đầu phục hồi. Đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức”, bà Thúy Phương nhận định.
Nhận xét về hoạt động xuất khẩu quý I, Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công thương) Bùi Huy Sơn nhấn mạnh vào con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt là 26,2%, tăng gần gấp hai lần so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 13,9%). Điều này phản ánh nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào xuất khẩu nhìn chung vẫn còn hạn chế khi mới chỉ chiếm 28,1% tổng kim ngạch.
Tiếp tục mở rộng thị trường
Theo ông Bùi Huy Sơn, hoạt động xuất khẩu thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi nhờ tác động tích cực từ các FTA, giúp duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, việc các nước công nghiệp phát triển đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, mặt trái là việc đa dạng hóa nguồn cung từ các thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh,... cũng sẽ làm gia tăng cạnh tranh lên hàng hóa trong nước. Mặt khác, các nước phát triển cũng ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng; liên tục dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Trong khi đó, kinh tế thế giới dù đang dần phục hồi nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ở mức độ thấp. Các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc đều được dự báo khả năng tăng trưởng thấp hơn năm 2023; Nhật Bản tăng trưởng không được như năm 2023 và chưa thấy có sự cải thiện trong những tháng gần đây;… Tương tự, thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo tăng trưởng vẫn thấp, có sự cải thiện nhưng không nhiều; lạm phát kinh tế thế giới được kiểm soát và có xu hướng hạ dần 2023 nhưng vẫn ở mức cao;… Đặc biệt, các xung đột địa chính trị như căng thẳng tại Biển Đỏ đang tác động, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuyển đổi sang chiến lược near-shoring (sản xuất tại nước lân cận) hoặc re-shoring (quay trở lại sản xuất trong nước) thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam. Đây là những yếu tố sẽ gây nhiều bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của ta trong thời gian tới.
Bộ Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 đạt 6%, tương đương khoảng 377 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi quý còn lại của năm phải đạt khoảng 95 tỷ USD - con số không hề nhỏ. Để duy trì đà tăng cho xuất khẩu, Bộ Công thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới; duy trì thông tin liên tục tới các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Phó Vụ trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ: Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết 16 FTA. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các Hiệp định này và có hiệu quả rất tốt. Ngoài ra, chúng ta đang đàm phán ba FTA khác, bao gồm: FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm bốn nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); tham gia khuôn khổ đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada; FTA giữa Việt Nam và UAE hiện cũng đang trong giai đoạn nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. Bộ Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm khả năng để tiến tới ký kết FTA với những địa bàn mới như Trung Đông, Nam Á, châu Phi, qua đó giúp cải thiện, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()