Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 16:35 (GMT +7)
Chú ý chăm sóc trẻ và cho trẻ tiêm ngừa
Chủ nhật, 19/09/2021 | 14:21:28 [GMT +7] A A
Những ngày dịch, việc đi lại khó khăn, nhiều bậc phụ huynh quên rằng, ngoài việc tiêm phòng Covid, chúng ta còn phải cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccine.
Một người mẹ lo lắng nhắn tin đến BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh) hỏi: “Dịch bệnh nên không đi tiêm chủng các mũi quan trọng cho trẻ có sao không bác?”. BS Khanh trả lời: Các trung tâm tiêm chủng cố gắng hẹn giờ thu xếp chích ngừa cho các bé.
Trẻ mắc bệnh Covid thì nhẹ tự hết, nhưng nếu không tiêm chủng các mũi quan trọng thì bệnh rất nguy hiểm, phụ huynh cần hẹn giờ đi về cho gọn, người lớn mang khẩu trang, bé không mang được khẩu trang thì dùng nón che giọt bắn. Bác sĩ này cho biết thêm: Các mũi quan trọng cần tiêm ngừa gồm: 5, 6 trong 1; sởi ; sởi, quai bị và rubella, thủy đậu; phế cầu, viêm não Nhật Bản; những thứ khác thì chưa gấp…
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO cho biết, hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 11,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chiếm hơn 50% bao gồm các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm HIV/AIDS… Rất may là đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại bệnh lý này đã có sẵn thuốc chủng ngừa (vaccine) một cách hiệu quả và an toàn, việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng hiệu quả hoạt động hệ thống miễn dịch giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm cũng như ngăn ngừa những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài việc tiêm chủng, phụ huynh cũng cần chú ý điều trị trẻ bệnh tại nhà, tạo sức đề kháng tốt giúp trẻ mau hồi phục và đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ. Theo bác sĩ Đinh Thạc (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh), khi trẻ bệnh cần:
Cho trẻ uống thêm nhiều nước hơn bình thường: khi trẻ bệnh cơ thể rất dễ bị mất nước như trẻ bị tiêu chảy, trẻ bị sốt cao trong bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt phát ban, bệnh cúm... Nhiều trẻ được bổ sung đủ nước sẽ mau lành bệnh và qua được cơn nguy hiểm.
Cho trẻ ăn như bình thường, nếu ăn được nhiều hơn thì càng tốt: Khi trẻ bệnh trẻ sẽ cần nhiều năng lượng cho cơ thể để mau chóng lành bệnh. Thức ăn chế biến cho trẻ nên lỏng, mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết như cháo dinh dưỡng, súp nóng, sữa uống các loại dành cho trẻ. Trẻ khó khăn trong ăn uống phụ huynh nên phân nhỏ bữa ăn của trẻ để trẻ có thể nhận đủ lượng thức ăn.
Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện: nếu thấy tình trạng sức khỏe của trẻ không cải thiện hoặc trầm trọng hơn sau 2 - 3 ngày chăm sóc tích cực tại nhà, như thấy trẻ đột nhiên bỏ ăn, bỏ bú, nôn ói nhiều (thường nôn hết mọi thứ ngay sau khi ăn hoặc bú), trẻ sốt cao liên tục 39oC không hạ sau khi uống thuốc hạ sốt - lau mát tích cực, trẻ thở mệt, hoặc nặng hơn trẻ bị co giật, lừ đừ, hôn mê. Khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để trẻ được cứu sống kịp thời.
Dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong thời gian tới. Tuy nhiên trước mắt, phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tốt, trong đó có việc tiêm ngừa cho trẻ.
Theo kinhtedothi.vn
Liên kết website
Ý kiến ()