Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:50 (GMT +7)
Chú trọng phát triển lưu trữ tư nhân
Thứ 2, 27/11/2023 | 22:43:36 [GMT +7] A A
Chiều 27/11, cho ý kiến vào dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhìn nhận việc sửa Luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn về công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành văn thư, lưu trữ
Nhiều ý kiến cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đang đặt ra cho ngành Lưu trữ Việt Nam những yêu cầu trong việc bảo đảm an toàn, quản lý và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, phông lưu trữ quốc gia. Để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh lưu trữ truyền thống, ngành Lưu trữ phải đẩy mạnh chuyển đổi số và việc chuyển đổi số phải thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bảo đảm pháp lý rõ ràng, hạ tầng công nghệ, kỹ thuật phải tương thích, đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lồng ghép hoạt động chuyển đổi số vào từng nhiệm vụ lưu trữ để bảo đảm sự gắn kết, không tách rời lưu trữ giấy, lưu trữ điện tử và lưu trữ số. Rà soát, bổ sung nội dung của chương quy định về lưu trữ tài liệu điện tử, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Đại biểu nêu thực tế, lưu trữ lịch sử ở các tỉnh hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu từ các nguồn cần lưu, do thiếu quy định có tính pháp lý, chưa đủ mạnh và thiếu chế tài. Các cơ quan, tổ chức thường né tránh, không coi trọng nhiệm vụ nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử với nguyên do là sợ thất lạc tài liệu, nộp lưu vào sẽ khó khăn khi cần tới tài liệu. Từ phân tích này, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài về trách nhiệm nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử.
Quan tâm đến phát triển lưu trữ tư, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, với mục tiêu phát triển lưu trữ tư nhân, Nhà nước có chính sách công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư nhân và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với các tài liệu lưu trữ tư, bảo đảm thống nhất với các quy định trong luật và rà soát, bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào phông lưu trữ quốc gia.
Băn khoăn khi tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện có tính chất bắt buộc, có quy trình chặt chẽ về kiểm tra, phân cấp, quản lý, phân loại cụ thể, còn tài liệu lưu trữ tư thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ… mang tính chất tự giác, tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, hai hệ thống này có sự khác nhau, nhưng dự thảo luật lại quy định cùng một hệ tiêu chuẩn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, điều này sẽ gây khó khăn cho lưu trữ tư.
Để đảm bảo nguyên tắc chung của hoạt động lưu trữ, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các quy định về hoạt động lưu trữ tư để tương thích với các luật liên quan. Đồng thời, Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát đánh giá lại việc thực hiện lưu trữ tư hiện nay như thế nào, bổ sung một số quy định về lưu trữ tư, có thể tư nhân hóa một số nội dung liên quan đến lưu trữ của Nhà nước; hoặc kêu gọi cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hiến tặng, trao đổi, hợp tác trong các hoạt động lưu trữ tư.
Chuyển sang bảo tàng trưng bày tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt bị hỏng nặng, không còn giá trị phục hồi
Một nội dung khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là việc hủy tài liệu đối với tài liệu lưu trữ hết giá trị, trong đó có tài liệu lưu trữ bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi. Đại biểu cho rằng, như vậy, tài liệu bị hủy có thể bao gồm cả tài liệu có giá trị đặc biệt, bị hư hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi. Theo quy định tại Điều 12 của dự thảo luật, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là tài liệu có giá trị, tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, dân tộc Việt Nam, phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc, quá trình hình thành, xác lập, thực thi chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vật mang tin, hình thức trình bày độc đáo, có tính nghệ thuật, kỹ thuật, phương pháp chế tác độc đáo, tiêu biểu, điển hình cho thời kỳ lịch sử… Tài liệu này có thể không còn khả năng phục hồi nhưng phần còn lại vẫn có ý nghĩa giá trị lịch sử truyền thống.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nhận định, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt “là những tài liệu cực kỳ quan trọng, tài liệu này có thể hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi nhưng có giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, chứng tích, di sản, lưu trữ về những giai đoạn lịch sử, sự kiện, con người. Chúng ta hủy tài liệu này sẽ mất mãi mãi tài liệu quý đó”.
Theo đại biểu, sẽ rất ý nghĩa nếu chúng ta trưng bày những tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi bên cạnh bản tài liệu dự phòng của tài liệu đó, với những thông tin bảo đảm tính toàn vẹn, chính xác, khôi phục đầy đủ dữ liệu đầy đủ. Đại biểu đề nghị cần quy định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, dù bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi, vẫn cần tiếp tục lưu trữ, chuyển sang bảo tàng để lưu giữ, trưng bày, tiếp tục phát huy giá trị của các tài liệu quý đó.
Một số ý kiến cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể về điều kiện tổ chức, cá nhân tiếp cận tài liệu lưu trữ có điều kiện, mới chỉ giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người đứng đầu lưu trữ lịch sử quyết định quản lý, sử dụng tài liệu này. Việc dự thảo luật quy định cụ thể điều kiện tiếp cận tài liệu lưu trữ có điều kiện là rất quan trọng, liên quan tới quyền tiếp cận tài liệu lưu trữ của tổ chức, cá nhân. Cần nghiên cứu quy định các điều kiện, tiêu chí tiếp cận như khi nào được tiếp cận, ai được tiếp cận, trách nhiệm của người được tiếp cận. Đây cũng là cơ sở để người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người đứng đầu lưu trữ lịch sử quyết định cụ thể quản lý, sử dụng đối với tài liệu này, bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()