Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 13:02 (GMT +7)
Chú trọng giữa bảo tồn với phát huy
Chủ nhật, 09/06/2024 | 06:26:06 [GMT +7] A A
Cùng với văn hoá biển, văn hoá công nhân mỏ, văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là những yếu tố hợp thành đặc trưng văn hoá vùng đất và con người Quảng Ninh. Khai thác những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số cho phát triển du lịch chính là giải pháp hiệu quả nhất trong công tác bảo tồn các giá trị của chúng.
Quảng Ninh có nhiều dân tộc thiểu số cư trú từ lâu đời. Mỗi dân tộc lại có những đặc trưng văn hoá riêng, từ phương thức sản xuất, nhà ở, trang phục, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tri thức dân gian… Đồng bào cư trú khá tập trung, như người Tày sinh sống phổ biến ở huyện Bình Liêu, người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), người Sán Chỉ ở Đại Dực (Tiên Yên), Húc Động (Bình Liêu), người Dao Thanh Phán ở Quảng Sơn, Quảng Đức (Hải Hà), người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long)… Sự cư trú có tính tập trung ấy là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc, bởi nó tránh cho việc sự pha trộn làm phai nhạt những giá trị văn hoá cốt lõi của cha ông.
Những năm qua, nhất là trong khoảng 20 năm trở lại đây, từ sự quan tâm, đầu tư của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thiết chế văn hoá phục vụ đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được đầu tư. Từ nhà văn hoá xã Đại Dực được xây dựng quy mô năm 2006, tới nay đã có thêm nhiều nhà văn hoá cấp xã khang trang được xây dựng ở xã Phong Dụ (Tiên Yên), Lục Hồn (Bình Liêu), Nam Sơn (Ba Chẽ), Bằng Cả (Hạ Long)… Những nhà văn hoá này đã phát huy vai trò giống như đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ, trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng.
Kinh tế xã hội phát triển. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư đến từng thôn, bản là điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh. Hằng năm, có nhiều lễ hội văn hoá - thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức như hội Lồng tồng của người Tày ở xã Thanh Lâm (Ba Chẽ), ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc Tày ở Đồng Đình (Tiên Yên), ngày hội văn hoá, thể thao dân tộc Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên), hội Kiêng gió của người Dao Thanh Y ở Bình Liêu, hội làng của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả… Đáng mừng là nhiều lễ hội văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số giờ đã và đang được xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Các lễ hội được quảng bá, tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn đã thu hút đông đảo du khách.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu 2020, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNESCO) khi đó đã đến dự, trải nghiệm và tỏ ra rất thích thú với lễ phục dựng đám cưới đặc trưng của người Sán Chỉ tại thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ, Dao Thanh Y trong hội hát tháng ba (16/3 âm lịch) ở xã Húc Động đã trở nên nổi tiếng cả nước, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Bình Liêu.
Thông qua việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội văn hoá truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa các giá trị văn hoá của dân tộc mình. Từ đó có ý thức, có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của chúng cho phát triển du lịch. Tại Bình Liêu, những mô hình homestay của những chàng trai người Dao, người Tày giờ không còn là hiếm. Nhiều thanh niên đã trở thành những hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm, tiktoker chia sẻ những hình ảnh về cuộc sống, các nét văn hoá độc đáo của người dân địa phương với cộng đồng.
Khai thác, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cho du lịch chính là giải pháp hiệu quả nhất cho công tác bảo tồn và ngược lại.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()