Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:15 (GMT +7)
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo 'đánh úp' hơn 30.000 nhà đầu tư thế nào?
Thứ 3, 16/07/2024 | 08:41:08 [GMT +7] A A
Do ngân hàng SCB nợ xấu và nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo 5 nhân sự chủ chốt lên phương án phát hành trái phiếu “khống” huy động tiền của người dân, rồi chiếm đoạt sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Cuộc họp “chốt” phương án lừa nhà đầu tư
Viện KSND Tối cao vừa hoàn thành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm về 3 nhóm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Trong đó, bà Lan được xem là giữ vai trò cao nhất, bị truy tố cả 3 tội. Viện kiểm sát xác định bà này rửa tiền 445.747 tỷ đồng; vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới; lừa đảo 30.081 tỷ đồng thông qua việc phát hành khống hơn 308 triệu cổ phiếu.
Đối với hành vi lừa đảo nhà đầu tư mua trái phiếu, Viện kiểm sát cáo buộc từ tháng 8/2018, Ngân hàng SCB bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài, nên bà Lan ra chủ trương và họp với 5 nhân sự chủ chốt là Hồ Bửu Phương, Phó tổng Giám đốc Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TVSI và 3 lãnh đạo SCB: Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành; Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn và Phó tổng giám đốc Nguyễn Phương Hồng. Mục đích cuộc họp nhằm bàn cách "cứu vãn tình thế".
Trong cuộc họp, nhóm bà Lan quyết định lựa chọn các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Sau cuộc họp, họ chọn 4 công ty, gồm: Công ty An Đông; Công ty Quang Thuận; Công ty Sunny World và Công ty Setra, để thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu “khống”.
Theo yêu cầu của bà Lan, 4 công ty phải huy động hơn 30.800 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu “khống”, từ đó tạo dòng tiền “khống” để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty cùng hệ sinh thái.
Sau đó, 8 công ty này sẽ mua lại số trái phiếu này của 4 công ty, phát hành dưới dạng trái phiếu riêng lẻ nhằm mục đích bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục nghìn nhà đầu tư.
Mất khả năng thanh toán
Tại Công ty An Đông, cuối năm 2018, nhóm thuộc cấp của bà Lan phát hành gần 250 triệu trái phiếu khống với thời hạn 5 năm, rồi bán cho 5 công ty cùng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. 5 công ty đã thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái phiếu qua lại với nhau và với các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát rồi chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty Chứng khoán TVSI để bán ra thị trường cho 30.738 nhà đầu tư, thu về hơn 25.300 tỷ đồng.
Đến nay, Công ty An Đông còn dư nợ 24.969 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Tương tự, Công ty Sunny World phát hành 24 triệu trái phiếu, tổng giá trị 2.400 tỷ đồng, hiện còn dư nợ 1.600 tỷ đồng của 6 nhà đầu tư, không có khả năng thanh toán.
Công ty Quang Thuận phát hành 15 triệu trái phiếu, tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, còn nợ 1.500 tỷ đồng của 2.649 nhà đầu tư
Cuối cùng là Công ty Setra phát hành 20 triệu trái phiếu, tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, còn dư nợ 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.
Với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu “khống” phát hành, nhóm bà Lan đã huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư thứ cấp, thu về tổng số tiền hơn 30 nghìn tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Trong vụ án, bà Trương Mỹ Lan là người đưa ra chủ trương, giữ vai trò cao nhất, chỉ đạo mọi hoạt động.
Hai tháng trước, bà Trương Mỹ Lan bị TAND TP HCM (cấp sơ thẩm) tuyên tử hình; 85 đồng phạm lĩnh các mức từ tù treo đến chung thân. Giai đoạn 1 vụ án, tòa xác định trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()