Tất cả chuyên mục

Ngày 15/3, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1605/UBND-NLN3 về việc triển khai ngay các giải pháp khẩn trương, cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ngăn chặn lây lan trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm 10h ngày 15/3/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 7 ổ dịch tại 7 xã thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố là Đông Triều, Hải Hà, Uông Bí, Quảng Yên, với 197 con lợn bệnh buộc phải tiêu hủy, trọng lượng 6.533kg.
Để khống chế có hiệu quả không để dịch lan rộng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương cấp bổ sung kinh phí khoảng 2,633 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện mua khẩn cấp hóa chất iodine 10% và 14 bộ thiết bị sử dụng điện để tiêu hủy lợn ổ dịch, xuất cấp cho các huyện, thị xã, thành phố phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi trên địa bàn tỉnh; đây là nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch cấp bách, do vậy việc thực hiện mua hóa chất, thiết bị thực hiện theo quy trình chỉ định thầu đảm bảo quy định để kịp thời phòng, chống dịch. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu báo cáo UBND tỉnh ngay để giải quyết.
![]() |
Lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi được cân để người chăn nuôi nhận hỗ trợ thiệt hại. Ảnh: Phạm Tăng |
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo bí thư các huyện, thị, thành ủy; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Trực tiếp chỉ đạo khẩn trương, cấp bách công tác phòng, chống dịch bệnh và huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở để thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch, chú trọng phòng là chính; thực hiện phân công cán bộ lãnh đạo cấp huyện về trực tiếp xã chỉ đạo, cấp xã phân công cán bộ trực tiếp về thôn, bản, hộ chăn nuôi lợn để triển khai phòng, chống bệnh dịch.
Tổ chức quán triệt, triển khai đến bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, bí thư, trưởng thôn, khu, bản phải chủ động triển khai ngay, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dịch; phân công cán bộ, lực lượng chuyên môn trực tiếp đến từng hộ chăn nuôi lợn thống kê tình hình nuôi và yêu cầu các hộ chăn nuôi lợn phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân trong phòng dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình đàn lợn nuôi, nếu có dấu hiệu lợn bỏ ăn, ốm hoặc chết phải báo ngay cho cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm, tuyệt đối không được tự tiêu hủy và dấu dịch.
Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập ngay 1 tổ dập dịch và chôn hủy lợn bệnh, theo hướng: Thành phần từ 8 đến 10 người tham gia, do lãnh đạo phòng nông nghiệp/kinh tế làm tổ trưởng, giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ phó, các thành viên còn lại là cán bộ thú y và lao động khác; bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị chuyên dùng và vật tư phục vụ công tác dập dịch để đảm bảo việc xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường, thống kê chính xác số lượng lợn bị tiêu hủy để được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Chỉ đạo, yêu cầu các chốt kiểm soát duy trì nghiêm túc việc trực, hoạt động 24/24 giờ; các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh theo đúng quy định hiện hành; kiên quyết không cho phép vận chuyển lợn từ các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh ngoài đang trong thời kỳ có dịch vào Quảng Ninh mà không đảm đảm các quy định về thú y và không có giấy kết quả kiểm nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi (theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Bố trí ngân sách dự phòng cấp huyện khẩn trương thực hiện mua và cấp phát trực tiếp vôi bột cho các hộ dân chăn nuôi lợn để xử lý môi trường nuôi, thực hiện công tác khử trùng tiêu độc đảm bảo công tác phòng bệnh; chủ động trong xuất cấp hóa chất iodine 10% cho các hộ dân để khử trùng tiêu độc từ nguồn địa phương hiện có và nguồn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp hoặc hỗ trợ việc phun khử trùng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao và ủy quyền cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập ngay đoàn công tác của tỉnh thực hiện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh; nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh kịp thời đối với thủ trưởng đơn vị và các đơn vị không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh phân công cán bộ chuyên môn xuống cơ sở để hướng dẫn hỗ trợ địa phương thực hiện phòng, chống dịch; giao Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh thường xuyên cập nhật danh sách các địa phương (xã, huyện, tỉnh) có dịch để thông báo kịp thời cho các chốt kiểm soát lợn trên địa bàn tỉnh được biết và thực hiện theo quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, ổn định tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh được phân công phụ trách địa bàn cấp huyện bố trí thời gian ưu tiên xuống kiểm tra đôn đốc chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương theo chỉ đạo của tỉnh.
Vũ Đức
Ý kiến ()