Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 16:37 (GMT +7)
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)
Thứ 7, 01/02/2020 | 16:31:19 [GMT +7] A A
Ngày 31/1, UBND tỉnh ban hành Công văn số 461/UBND-VX4 về việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV).
Thực hiện Văn bản số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư; các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020; số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 22/01/2020 và Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 30/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV); Ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc họp ngày 31/01/2020, đồng chí Nguyễn văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận và yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, đơn vị quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV); xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, khẩn cấp nhất thời điểm hiện nay, phải tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, chi tiết và phải tổ chức thực hiện ngay, hiệu quả sát thực tiễn từng địa phương, đơn vị theo các nội dung tỉnh đã chỉ đạo. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân phải khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp do Trung ương, tỉnh đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, đặc biệt là từng người dân, từng hộ gia đình phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế đã khuyến cáo; quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan.
Chủ tịch UBND các địa phương, thủ trưởng sở, ban, ngành: trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị; tuyệt đối không được chủ quan; phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết của từng tình huống cụ thể, chuẩn bị đủ nhân lực, nhất là nhân lực ngành Y tế, phương tiện, cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang thiết bị phòng hộ cho nhân dân và nhân viên y tế, các lực lượng liên quan làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” theo từng tình huống, kịch bản phòng, chống dịch.
Xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch tại ngành, địa phương, đơn vị; tổ chức thực hiện cụ thể, chi tiết và tuân thủ nghiêm các biện pháp dự phòng, cách ly theo hướng dẫn và yêu cầu của cơ quan chuyên môn ngành Y tế với mục tiêu không để dịch lây lan và hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra. Hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, Tạm dừng các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để ưu tiên, tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch; kể cả việc xem xét cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, giảm nguy cơ nhiễm dịch, đặc biệt là tại các địa phương biên giới Móng cái, Hải hà, Bình liêu. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện và cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương làm Trưởng Ban.
Sở Y tế: Tiếp tục theo dõi, nắm chắc, kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày để báo cáo và tham mưu cho Tỉnh ủy,Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch phải đạt hiệu quả thực chất. Trong ngày 01/02/2020 phải hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện kịch bản ứng phó có hiệu quả với từng tình huống cụ thể (xuất hiện ca bệnh, xuất hiện ổ dịch, bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt là trường hợp phát hiện ra nhiều trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh tại khu vực cửa khẩu và thành phố Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu phải tổ chức cách ly triệt để ngay tại địa bàn, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan).
Chậm nhất đến ngày 03/02/2020 phải tổ chức diễn tập phòng, chống dịch bệnh tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng chức năng và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Kiểm tra và chỉ đạo ngay các cơ sở y tế phòng dịch tuyến tỉnh, tuyến huyện, tiếp tục hoàn thiện phương án xây dựng khu cách ly dã chiến tại cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô, tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi cần thiết.
Bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, lực lượng nhân viên y tế ứng trực phục vụ phòng, chống dịch; đủ khẩu trang y tế phòng dịch đáp ứng yêu cầu của người dân trên địa bàn trong mọi điều kiện. Sẵn sàng ở mức cao nhất ứng phó với các tình huống dịch (khu vực cách ly, khu vực điều trị, máy thở, máy xét nghiệm, phương tiện vận chuyển bệnh nhân…); có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong. Chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt quy trình khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu, cảng khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không).
Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương có biện pháp cách ly; theo dõi, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục tình trạng sức khỏe của chuyên gia, lao động nước ngoài (từ Trung Quốc) sau kỳ nghỉ Tết trở lại Quảng Ninh làm việc tại các khu công nghiệp, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và tại các doanh nghiệp; áp dụng quy trình kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại cửa khẩu và tại nơi làm việc; khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh phải tổ chức cách ly ngay và quản lý những người lao động này theo đúng quy định, quy trình.
Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị triển khai phương án các bệnh viện dã chiến khi có tình huống xảy ra; Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc để thống kê các trang thiết vị y tế, phương tiện, nhân lực phục vụ phòng chống dịch, kịp thời huy động khi cần thiết.
Thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch và có phương án hỗ trợ tối đa về y tế cho các địa phương khi cần thiết, đặc biệt là các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Bình liêu.
Phối hợp với UBND các địa phương, Sở Công thương và các đơn vị liên quan chỉ đạo, thông tin đến các cơ sở kinh doanh vật tư, trang thiết bị y tế chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp khẩu trang, thuốc sát trùng và các vật tư khác có liên quan phục vụ cho phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona để bán phục vụ nhân dân và du khách; bán với giá niêm yết như trước khi có dịch; nghiêm cấm các hành vi tăng giá, găm hàng nhằm mục đích trục lợi. Nếu có bằng chứng về việc các cơ sở bán hàng với mục đích trục lợi, Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương liên quan lập tức xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh và có biện pháp không cho người chịu trách nhiệm của cơ sở mở các điểm kinh doanh mới; chuyển hồ sơ cho Công An tỉnh và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định.
Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 30/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV) gây ra. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thực hiện ngay việc cấm người qua lại và tạm thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Không giải quyết nhập cảnh cho tất cả các đối tượng từ vùng dịch; không giải quyết xuất cảnh cho công dân Việt Nam sang khu vực có dịch; kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới (kể cả trên bộ và trên biển); tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ người qua lại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Thực hiện việc quản lý, theo dõi chặt chẽ người Việt Nam nhập cảnh từ Trung Quốc về; phối hợp với UBND thành phố Móng Cái và các sở, ngành liên quan thực hiện việc nghiêm các quy định về cách ly trong phòng, chống dịch theo quy định. Tập trung cao độ triển khai cụ thể các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép; nghiêm cấm việc nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, thủy sản vào Quảng Ninh. Kiên quyết ngăn chặn triệt để các hoạt động đưa người sang Trung Quốc trái phép; không để người Quảng Ninh, đặc biệt là các địa phương biên giới sang lao động, làm việc tại các vùng có dịch của Trung Quốc; Tuyệt đối không để cư dân biên giới, người lao động sang vùng có dịch và người đi ra từ vùng dịch nhập cảnh và đi vào nội địa. Xử lý nghiêm người đứng đầu các đồn, các điểm biên trên tuyến biên giới nếu không thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để việc xuất, nhập cảnh không đúng các nội dung chỉ đạo trong thời gian phòng chống dịch. Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch và các địa phương để thường xuyên cung cấp thông tin về tất cả các trường hợp hành khách nhập cảnh hàng ngày qua các cửa khẩu.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai công tác truyền thông thường xuyên, liên tục, sâu rộng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, gửi tin nhắn thông tin về tính nguy hiểm và biện pháp phòng tránh đến tận từng người dân, hộ gia đình, để mọi người dân đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch do chủng mới vi rút Corona gây ra để phòng tránh cho bản thân và cộng đồng; Đặc biệt ứng dụng ngay các công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền để đảm bảo việc tuyên truyền đến trực tiếp từng người dân, từng hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Thông tin kịp thời, chính xác theo phương châm lấy người dân là trung tâm, lấy phòng ngừa là chính, trang bị đủ kiến thức, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thay đổi thái độ, hành vi của mỗi người dân để tự phòng, tự tránh, tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng trước tác động của dịch bệnh; vận động người dân khu vực biên giới thực hiện nghiêm chủ trương của tỉnh không xuất cảnh đến vùng dịch và hạn chế di chuyển đến các vùng khác nếu không có việc cần thiết. Trao đổi với các đơn vị kinh doanh dịch vụ chuyển phát trên địa bàn khiên quyết không được thực hiện chuyển phát khẩu trang, thuốc sát trùng và các vật tư khác có liên quan phục vụ cho phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp ra nước ngoài. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội dung chỉ đạo này.
Sở Ngoại vụ: thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, nhất là từ cơ quan Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc để kịp thời tham mưu, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đồng thời, tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ, trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các địa phương biên giới trong công tác phòng, chống dịch, nhất là với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc);
Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND các địa phương biên giới và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh về việc dừng cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi tham quan, học tập, du lịch sang các nước đang có dịch.
Sở Du lịch: Làm việc trực tiếp với các Công ty du lịch, lữ hành để triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh Quảng Ninh: tạm dừng việc tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không tổ chức đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Quảng Ninh. Tạm dừng các hoạt động đón khách du lịch qua cửa khẩu Móng Cái. Đối với khách du lịch từ vùng dịch đến Quảng Ninh qua các con đường khác ngoài cửa khẩu Móng Cái, Sở Du lịch kịp thời nắm bắt thông tin, phối hợp với sở Ngoại vụ, Công an Tỉnh vận động khách xuất cảnh. Trong trường hợp khách chưa thể xuất cảnh ngay, Sở Du lịch đề xuất bố trí 01 khách sạn trên địa bàn thành phố Hạ Long và Móng Cái để tập trung đối tượng khách trên lưu trú; Sở Du lịch, Sở Y tế, Công an tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo quản lý chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe của du khách và khuyến nghị hạn chế di chuyển. Báo cáo số lượng khách du lịch Trung Quốc trên địa bàn tỉnh hàng ngày. Chỉ đạo các Khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường công tác phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và nhân viên phục vụ; các đơn vị kịp thời phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn cho các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch về các biện pháp đối phó với dịch; hoàn thành trước ngày 03/2/2020.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tuyên truyền để khẳng định hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường đối với những du khách đến từ vùng không có dịch; về các biện pháp đồng bộ Tỉnh đã triển khai để bảo về du khách nhằm khẳng định Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn đối với khách du lịch. Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động của Tỉnh nhằm chuyển hướng thị trường khách du lịch, tập trung vào thị trường nội địa, các thị trường Đông Bắc Á, Asean... để duy trì hoạt động ổn định của ngành du lịch, thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển của ngành trong năm 2020. Phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý đối với những khách sạn, cơ sở lưu trú không thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích các khách sạn trang bị máy đo thân nhiệt để kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm bệnh góp phần đảm bảo an toàn cho nhân viên và du khách.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai ngay các giải pháp sau: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 239/BGDĐT-GDTC ngày 22/01/2020 về việc tăng cường triển khai công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện việc đeo khẩu trang y tế đúng cách. Chỉ đạo việc nắm bắt, theo dõi sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tại trường học, đặc biệt là các trường hợp học sinh chưa ra lớp sau nghỉ Tết, các trường hợp học sinh nghỉ đột xuất; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, nghi ngờ mắc nhiễm bệnh. Khi xuất hiện trường hợp nghi bệnh tại cơ sở giáo dục, phải thông báo ngay cho gia đình học sinh và báo cáo ngay chính quyền địa phương và cơ quan quản lý trực tiếp, đồng thời phối hợp cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp xử lý theo quy định.
Bám sát tình hình thực tế và diễn biến bệnh dịch; chủ động đề xuất kịp thời việc xem xét cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, ngăn chặn triệt để nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, đặc biệt là học sinh tại các địa phương biên giới.
Chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh tiến hành vệ sinh khử khuẩn lớp học, đảm bảo hoàn thành trước khi học sinh, sinh viên trở lại trường học sau nghỉ Tết (trước 03/02/2020);
Phối hợp Sở Y tế và hệ thống y tế cơ sở trong việc thực hiện các biện pháp khử trùng trường lớp đảm bảo đúng quy trình.
Phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Ngoại vụ, UBND các địa phương về danh sách học sinh, sinh viên, lưu học sinh đang du học ở nước ngoài để thông tin đến các đối tượng để chủ động không đến các khu vực đang có dịch và tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các địa phương khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người lao động di chuyển qua biên giới, kể cả cư dân biên giới, tình hình sức khỏe của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là lao động người nước ngoài, người lao động đã di chuyển qua khu vực đang có dịch tại Trung Quốc để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp cách ly triệt để, quản lý những trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh.
Chủ động trao đổi, đề nghị chủ doanh nghiệp cho tạm ngừng đón chuyên gia, lao động từ các vùng có dịch hoặc các tỉnh lân cận khu vực biên giới trong thời kỳ cao điểm của dịch để hạn chế nguy cơ xuất hiện, lây nhiễm dịch bệnh, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tập trung, lao động là người nước ngoài sau kỳ nghỉ Tết trở lại Quảng Ninh làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có chức năng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tạm thời ngừng các hoạt động đưa lao động của tỉnh Quảng Ninh (nếu có) đến các vùng đang có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV).
Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; chỉ đạo công an các cấp phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép; kiểm soát chặt chẽ việc tạm trú, tạm vắng của khách du lịch trên địa bàn.
Phối hợp với ngành Y tế và các lực lượng đang làm nhiệm vụ quản lý cửa khẩu thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu. Đảm bảo an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành Y tế, Du lịch.
Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các địa phương biên giới và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra thường xuyên việc đăng ký tạm trú, tạm vắng của công dân và người nước ngoài trên địa bàn tỉnh đảm bảo chủ động nắm bắt tình hình tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nội vụ và UBND các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn: Dừng tất cả các Lễ hội chưa khai mạc trên địa bàn toàn tỉnh, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; Đối với các Lễ hội đã khai mạc phải giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội, giảm các hoạt động trong lễ hội, hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người tham gia; Đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế Quảng Ninh tại các hoạt động lễ hội, di tích; Yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động tại Lễ hội, di tích; Tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế tham gia hoạt động du xuân, lễ hội; Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để nhân dân và du khách biết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
UBND các huyện, thành phố Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu: Tập trung chỉ đạo các lực lượng thành viên triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; tạm dừng việc cho xuất, nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép trên toàn tuyến biên giới; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt đối với động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã, các loại hải sản. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo chung đối với các lực lượng chức năng trong phòng, chống dịch trên địa bàn phụ trách.
UBND thành phố Móng Cái chủ trì, phối hợp với sở Y tế, sở Lao động Thương binh và Xã hội bố trí khu vực cách lý riêng dành cho công dân Việt Nam nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái từ vùng dịch. Thực hiện việc cách ly theo đúng quy định. UBND TP Móng Cái thông qua nguyên tắc ngoại giao để thường xuyên liên lạc với Chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) để nắm thông tin cập nhật hàng ngày và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh; đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tỉnh về xuất, nhập cảnh trong thời gian phòng, chống dịch. Đối với hoạt động của chợ quốc tế Móng Cái, giao Sở Công thương và Sở Ngoại vụ làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng tây để sớm tham mưu UBND tỉnh việc tạm dừng hoạt động trong thời gian có dịch.
Cục Hải quan tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Yêu cầu nhân dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc che dấu, hoặc thông tin không đúng về dịch bệnh.
Đề nghị các Ban xây dựng Đảng, Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể tỉnh tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()