Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:31 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ
Thứ 6, 17/12/2021 | 22:13:13 [GMT +7] A A
Trưa 17/12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức.
Cùng dự về phía Việt Nam có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; lãnh đạo một số địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía Ấn Độ có: Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Chandrajit Banerjee; Thượng Nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Công thương Suresh Prabhu; Thứ trưởng Công thương Anurag Jain; Tổng Giám đốc Ủy ban Chuyển đổi Quốc gia Amitabh Kant và khoảng 150 doanh nghiệp với hơn 200 doanh nhân gồm các tập đoàn lớn như: ONGC, Essar, Hinduja, Bharat Biotech, Adani, Trivitron, Biocon, HCL, Indian Oil…
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các cơ quan của Việt Nam và Ấn Độ phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; cho rằng đây là sự kiện quan trọng hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (7/1/1972 - 7/1/2022).
Trong số các doanh nghiệp tham dự diễn đàn có nhiều doanh nghiệp đã đến đầu tư lâu năm và hiểu rõ tình hình Việt Nam và rất nhiều nhà đầu tư mới đang quan tâm đến Việt Nam. Do đó, diễn đàn sẽ là dịp để hai bên trao đổi, đề xuất các giải pháp, cơ hội mới để hợp tác cùng phát triển.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm và dự kiến đạt 13 tỷ USD vào năm nay bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Đây là cơ sở để hai nước sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, Việt Nam hiện có hơn 34.400 dự án đầu tư nước ngoài của 141 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký lên đến hơn 400 tỷ USD, nhưng số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam chưa đến 1 tỷ USD và ngược lại các nhà đầu tư Việt Nam vào Ấn Độ cũng chưa nhiều.
“Điều này chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống từ rất lâu đời và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, đáng tin cậy giữa hai nước”, nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều dư địa để phát triển. Sự tham gia của đông đảo đại diện doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn cũng đã cho thấy điều này.
“Cộng đồng doanh nghiệp hai nước vừa là chủ thể của quá trình hợp tác kinh tế, đồng thời là người khởi xướng và truyền cảm hứng cho các ý tưởng, các động lực và xung lực mới trong quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tôi hy vọng quan hệ đầu tư giữa hai nước sẽ bùng nổ như trong lĩnh vực thương mại mà hai bên đã đạt được”, Chủ tịch Quốc hội nói. Đây cũng là diễn đàn quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại New Delhi.
Chủ tịch Quốc hội hy vọng, từ diễn đàn này sẽ tạo ra được một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp, qua lại thị trường của nhau. Khi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam tức là đầu tư vào thị trường 100 triệu dân với dân số trẻ, đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có điều kiện tiếp cận với thị trường rộng lớn của ASEAN với quy mô kinh tế đứng thứ 6 thế giới và 650 triệu dân, chưa kể thị trường rộng lớn trên thế giới do Việt Nam đã ký 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP, EVFTA…
“Việt Nam có thị trường rất rộng lớn với hệ thống pháp luật đã khá đồng bộ, hệ thống chính sách về ưu đãi đầu tư và bảo hộ đầu tư theo những tiêu chuẩn cao không chỉ đối với khu vực mà còn đối với quốc tế. Cùng với đó là quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn luôn cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo điều kiện tốt nhất và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thông báo với các doanh nghiệp về cuộc hội đàm rất thành công với Ngài Chủ tịch Hạ viện, cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, tiếp các tỷ phú, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ… trong hai ngày vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dư địa và cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn rất nhiều. Hai nước cần hướng đến một nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn.
Hai nước cũng có tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí trong vùng biển và thềm lục địa Việt Nam cũng như tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, kể cả tham gia đầu tư các hệ thống đường dây truyền tải điện.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở một lĩnh vực rất quan trọng mà hai nước có thể hợp tác đó là công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để trở thành một trung tâm vaccine không chỉ cho người mà còn cho cả gia súc và trung tâm nghiên cứu sản xuất, chế biến, phân phối thuốc đặc trị cho các bệnh nhiệt đới không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tham gia đầu tư về kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến, chế tạo về lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ giáo dục và đào tạo. Hai nước cũng đã thống nhất, Chính phủ Ấn Độ sẽ ưu tiên nhiều học bổng, chương trình đào tạo chuyên gia của Việt Nam tại Ấn Độ. Lực lượng này sẽ đóng vai trò nòng cốt và dẫn dắt cho mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước.
“Những thành công gặt hái trong diễn đàn hôm nay sẽ là khởi đầu rất tốt đẹp cho một làn sóng đầu tư mới giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai nước. Tất cả vì mục tiêu đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ lên tầm cao mới, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư của hai nước và vì mục tiêu cao cả nhất là mang lại sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước.
Tôi tin tưởng, các doanh nghiệp hai nước sẽ thực hiện được mục tiêu đó. Sự thành công của các doanh nghiệp cũng chính là thành công của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Thượng Nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Công thương Suresh Prabhu và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Chandrajit Banerjee nhấn mạnh, Chính phủ Ấn Độ đang triển khai chính sách hướng Đông, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia rất quan trọng của Ấn Độ ở Đông Nam Á.
Do đó, hai nước có thể tăng cường hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, công nghiệp chế biến, vận chuyển, logicstics, năng lượng tái tạo. Đồng thời đề nghị hai nước cần có chiến lược toàn diện, kết nối doanh nghiệp, nhấn mạnh có thể coi Việt Nam là hình mẫu trên thế giới về phát triển khi các chủ trương chính sách luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm.
Cựu Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Suresh Prabhu cho rằng, năm 1975 Việt Nam đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng đó đạt được bởi sự dũng cảm, bản lĩnh của nhân dân Việt Nam, Việt Nam cũng đã thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo... Thế giới đang gặp thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19.
Cựu Bộ trưởng Công thương cũng cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ có thể duy trì mức độ tăng trưởng cao trong thời gian tới nếu cùng hợp tác chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau. Ấn Độ cam kết sản xuất năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.
Hai nước có thể hợp tác trong sản xuất năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đặc biệt không chỉ trong lĩnh vực sản xuất ở mỗi nước mà còn là chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có thể bổ trợ bằng cách sản xuất những mặt hàng có thế mạnh, qua đó mang lại những cơ hội mới cho nhau.
Cho rằng thương mại và đầu tư là trụ cột trong quan hệ hai nước, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ Chandrajit Banerjee cho rằng, hai nước có nhiều cơ hội hợp tác trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghệ, giáo dục, đào tạo...
Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vận chuyển, logicstics. Việt Nam có sự kết nối chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực. Ấn Độ cũng là thành viên năng động trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ đó, hai nước có thể bổ sung hỗ trợ cho nhau lĩnh vực này; phối hợp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiếp tục giao lưu nhân hai nước, để hướng tới xây dựng hiệp định công nhận lẫn nhau.
Tổng Giám đốc Ủy ban Chuyển đổi Quốc gia Amitabh Kant nhấn mạnh, việc phát triển kỹ năng cho người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và cho rằng, hai nước cần thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ trao 12 thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực y tế, hợp tác sản xuất thuốc và vaccine, cung cấp nguyên liệu dược phẩm, hợp tác về dầu khí, hợp tác về chuyển giao công nghệ và công nghệ thông tin, hợp tác về tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác về giáo dục và du lịch với tổng mức đầu tư, trong đó có 3 dự án có tổng mức đầu tư cụ thể lên tới 800 triệu USD.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()