Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:37 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần luật hóa nghĩa vụ phát triển thành viên của tổ chức kinh tế tập thể
Thứ 3, 20/09/2022 | 14:49:16 [GMT +7] A A
Góp ý vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất bổ sung quy định kết nạp, phát triển thành viên như là một trong những nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế tập thể.
Sáng 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Quy định cụ thể nội dung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã
Phát biểu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện nay xu hướng trên thế giới chú trọng vào phát triển số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhưng có một xu hướng quan trọng hơn, đó là khuyến khích mở rộng hội viên của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Chủ tịch Quốc hội đề xuất bổ sung trong dự thảo Luật quy định kết nạp, phát triển thành viên mới như là một trong những nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế hợp tác.
“Cần phải luật hóa nghĩa vụ phát triển thành viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác, nếu có chính sách khuyến khích nữa thì càng tốt”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về tên gọi của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nhất thiết phải đổi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như đề xuất của Chính phủ, mà nên giữ nguyên tên gọi cũ là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Theo Chủ tịch Quốc hội, tên gọi Luật Hợp tác xã gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước, qua một số lần sửa luật vẫn không thay đổi, đồng thời đã trở nên quen thuộc, thuận lợi cho công tác truyền thông cũng như dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, thế giới có Liên minh Hợp tác xã quốc tế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng có tổ chức này. Bản thân tên gọi Luật Hợp tác xã cũng không ngăn cấm việc mở rộng, bổ sung phạm vi điều chỉnh của luật.
Về nội dung chính sách, nêu thực tế nhiều hợp tác xã kinh doanh rất hiệu quả nhưng không có trụ sở, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chính sách về đất đai trong dự thảo Luật cần thể chế hóa được Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khuyến khích và tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận đất đai, tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh.
Chính sách về đất đai trong dự thảo Luật cần thể chế hóa được Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khuyến khích và tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận đất đai, tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã là cần thiết và cũng là xu hướng trên thế giới hiện nay, dẫn ví dụ một số hợp tác xã ở Israel hay Trung Quốc sở hữu nhiều doanh nghiệp, thậm chí là tập đoàn.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ và quy định cụ thể hơn nội dung này trong dự thảo Luật, bao gồm các khía cạnh tổng kết thực tiễn, điều kiện thành lập, cơ chế thành lập…
Làm rõ quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã
Điều 113 của dự thảo Luật quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoặc tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn.
Quỹ sử dụng vốn để cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác (trừ thành viên là doanh nghiệp).
Đồng thời, Quỹ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định pháp luật; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật…
Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng cần làm rõ nguồn hình thành quỹ, bởi không có ngân sách cho việc thành lập quỹ ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân rất hiếm khi đóng góp cho loại quỹ này.
Có chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị làm rõ nguồn hình thành, cơ chế vận hành, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Quỹ ở Trung ương và ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh cần rà soát để xác định dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) liên quan đến bao nhiêu luật, đó là những luật nào, đồng thời xác định những quy định mâu thuẫn trong luật này với các luật khác và đề xuất giải pháp xử lý.
Cũng tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tên gọi của dự thảo Luật; các quy định về góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, trích lập quỹ chung không phân chia…
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()