Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:23 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội đến Helsinki, bắt đầu thăm chính thức CH Phần Lan
Thứ 6, 10/09/2021 | 07:13:25 [GMT +7] A A
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Phần Lan.
Theo đặc phái viên TTXVN, sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ, vào lúc 21 giờ 30 ngày 9/9 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới Sân bay Vantaa, thủ đô Helsinki, Cộng hòa Phần Lan theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen.
Tham gia Đoàn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm.
Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Đón đoàn tại sân bay có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm, cán bộ Đại sứ quán; Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Phần Lan Bùi Thanh Thúy; Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Phần Lan…
Về phía Phần Lan có: ông Mika Niikko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Phần Lan; bà Katriina Kuusinen, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Quốc hội Phần Lan; bà Sari Wessman, Cố vấn Vụ Đối ngoại, Quốc hội Phần Lan; ông Mauri Raveala, Chủ tịch Hội hữu nghị Phần Lan - Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Phần Lan.
Dự kiến, trong chuyến thăm chính thức Phần Lan ngày 10-11/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Phần Lan về hợp tác song phương và các lĩnh vực hợp tác chiến lược; trao đổi phương hướng tăng cường hợp tác giữa Quốc hội hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai bên cũng sẽ trao đổi về công tác kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có hợp tác cung cấp vaccine, thuốc và các vật tư y tế. Trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp hai nước, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Phần Lan.
Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 25/1/1973. Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội được thành lập năm 1974 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Helsinki vào cuối năm 2005.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt được hai nước duy trì và phát triển tốt đẹp.
Kinh tế-thương mại-đầu tư là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam. Phần Lan đứng thứ 70/140 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Phần Lan liên tục dành viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với tổng số tiền viện trợ khoảng 340 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, lâm nghiệp...
Theo chính sách phát triển của Phần Lan, trong những năm gần đây và do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Phần Lan sẽ không cung cấp thêm viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam nói riêng và các nước khác trên toàn thế giới nói chung, chỉ tiếp tục cung cấp viện trợ để hoàn thành hết các chương trình đang thực hiện.
Ngày 23/3/2017, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã công bố Chiến lược quốc gia mới về hợp tác phát triển song phương giai đoạn 2016-2020 với Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở quan hệ hai nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, nhằm mục tiêu thay thế dần hợp tác phát triển bằng hợp tác cùng có lợi, dành ưu tiên nhiều hơn cho một số lĩnh vực thế mạnh của Phần Lan gồm cung cấp nước sạch và an toàn, phát triển công nghiệp rừng, công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng lượng và các giải pháp năng lượng sạch, giáo dục đào tạo, y tế..../.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()