Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:00 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội chủ trì họp xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19
Thứ 6, 03/12/2021 | 21:36:45 [GMT +7] A A
Chiều 3/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan về việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19.
Tham dư cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thường trực Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu phát biểu ý kiến nhất trí quan điểm của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tập trung quy định các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định.
Do đó, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách, bảo đảm đúng tinh thần, phạm vi mà Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Tham gia thảo luận những vấn đề lớn được nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của cơ quan của Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến đối với những vấn đề lớn nêu trong tờ trình của Chính phủ như: Nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19; việc thanh toán chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa.; thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Bình ổn giá trang thiết bị y tế và chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý về nội dung thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19, Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với tờ trình của Chính phủ thực hiện thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá mua vào theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, lưu ý Chính phủ cần tổng kết các chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 thời gian qua, làm rõ mức trích từ Quỹ Bảo hiểm y tế để bảo đảm an toàn quỹ cũng như bảo đảm tính minh bạch và khả thi.
Lắng nghe ý kiến góp ý tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí quan điểm của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tập trung quy định các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định. Do vậy, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách, bảo đảm đúng tinh thần, phạm vi mà Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phân biệt rõ khái niệm cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế và cơ sở thu dung, nhấn mạnh cần thiết triển khai hội chẩn trực tuyến, hỗ trợ khám, chữa bệnh, tư vấn điều trị từ xa cho người dân nhưng trước mắt chỉ nên áp dụng đối với bệnh nhân Covid-19 và không lấy tính mạng, sức khỏe người bệnh ra thí điểm.
Về vấn đề thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết, cụ thể hơn về tình trạng thiếu thuốc, nguồn cung ứng nguyên liệu làm thuốc trong nước để làm căn cứ cho việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành.
Kết luận các nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, các đại biểu thống nhất với cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19; về thanh toán chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 như đề nghị của Chính phủ.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghị quyết biên tập lại dự thảo nghị quyết; thuật ngữ cần thống nhất, đúng pháp luật hiện hành; thuật ngữ mới, chưa được quy định trong luật thì phải có định nghĩa…
Liên quan quy định về khám, chữa bệnh từ xa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải rất thận trọng vì liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Theo đó, cần phải làm rõ, ai là người được phép khám, chữa bệnh từ xa; khám, chữa bệnh từ xa chỉ cho người mắc Covid-19 hay cho cả những người không mắc Covid-19 nhưng vì Covid-19 nên không đến khám, chữa bệnh trực tiếp được; trách nhiệm của người khám, chữa bệnh từ xa ra sao, theo quy định của luật nào; quy trình khám, chữa bệnh từ xa; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa như thế nào…
Một số đại biểu đánh giá về tính cần thiết việc khám, chữa bệnh từ xa nhưng chỉ nên áp dụng đối với bệnh nhân Covid-19. Một số ý kiến khác đồng tình với việc cần có thêm khám, chữa bệnh từ xa, các đại biểu cho rằng, chính sách này là cần thiết, nhưng nội hàm phải nói rõ, ai được làm, ai quy định, quy trình khám, chữa bệnh như thế nào, trách nhiệm khám, chữa bệnh như thế nào; tất cả phải được quy định cụ thể, rõ ràng.
Với một số cơ chế, chính sách khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi quy định trao quyền cho Bộ trưởng Y tế thì đồng thời phải quy định về trách nhiệm thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết, tiếp thu ý kiến tại cuộc làm việc cả về kỹ thuật văn bản, các thuật ngữ chuyên môn và nội dung chính sách nhằm bảo đảm đúng tinh thần, phạm vi mà Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các chính sách phải được đánh giá tác động hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả để sau này Quốc hội còn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện tờ trình, báo cáo thẩm tra, tổ chức lấy ý kiến, đánh giá tác động dự thảo Nghị quyết để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()