Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:39 (GMT +7)
Chủ tịch Quốc hội chủ trì họp cho ý kiến về quy định khởi tố hình sự đối với hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý
Thứ 6, 29/10/2021 | 22:25:02 [GMT +7] A A
Chiều 29/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan hữu quan nhằm cho ý kiến về quy định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nghe đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp, Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học và Công nghệ thảo luận, trình bày cặn kẽ, chi tiết các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội trong những ngày qua, thống nhất nguyên tắc chung các quy định này phải hợp pháp, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sửa quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý là cần thiết, phù hợp Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và định hướng chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, qua đó mục tiêu hướng tới là bảo vệ lợi ích quốc gia, người tiêu dùng và cộng đồng, nhất là trong điều kiện hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp phối hợp các cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo xin ý kiến Thường vụ Quốc hội đưa ra phương án trình Quốc hội quyết định nội dung này, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan.
Theo tờ trình dự án luật do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng, cơ quan soạn thảo sửa đề nghị đổi, bổ sung khoản 1, Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226, Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1, Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không đồng ý với đề xuất của cơ quan soạn thảo vì cho rằng, quy định như vậy là mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.
Tại phiên thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng có hai luồng quan điểm như của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Chung quanh một số ý kiến cho rằng, có thể tạo nên gánh nặng chủ động khởi tố đối với Nhà nước, qua tổng hợp ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật chuyên ngành, đại biểu Quốc hội chuyên trách và một số luật sư, lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp nêu rõ: Quy định thẩm quyền chủ động khởi tố vụ án có nghĩa là các cơ quan Nhà nước có quyền khởi tố và chỉ có nghĩa vụ khởi tố khi có đủ căn cứ để thực hiện khởi tố.
Các chuyên gia cho rằng, đối với các chỉ dẫn địa lý cũng như nhãn hiệu, thông tin đủ để khởi tố chủ yếu vẫn do các chủ thể quyền cung cấp (dù có yêu cầu khởi tố hay không). Việc chủ động kiểm soát thị trường, phát hiện hàng hóa giả mạo nằm trong tay các cơ quan thẩm quyền, tùy thuộc vào nguồn lực và các mục tiêu ưu tiên, trong đó mục tiêu chung là bảo vệ lợi ích xã hội chứ không phải bảo vệ lợi ích của riêng của chủ sở hữu các quyền dân sự.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý là cần thiết, phù hợp Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) và chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, bảo vệ lợi ích quốc gia, người tiêu dùng và cộng đồng.
“Việc sửa đổi như vậy không những không tạo gánh nặng cho Nhà nước mà còn thúc đẩy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()