Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:35 (GMT +7)
Chủ tịch nước: Kiểm soát chặt chẽ, không được chủ quan, thích ứng an toàn với Covid-19
Thứ 7, 09/10/2021 | 22:49:23 [GMT +7] A A
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chúng ta phải có chương trình kiểm soát tốt hơn khi thích ứng an toàn, đồng thời lưu ý nguy cơ dễ lây lan dịch trong mùa Đông."
Ngày 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế thành phố.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có đại diện cử tri ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc để qua đó cùng lãnh đạo Đảng, nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp khắc phục khó khăn, giải quyết bất cập hiện nay của ngành y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân hiệu quả hơn nhằm ổn định kinh tế xã hội một cách lâu dài sau đại dịch COVID-19.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giáo cao nỗ lực và những đóng góp của ngành y tế cả nước nói chung, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh đã dũng cảm, hy sinh, cống hiến quên mình cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố, cùng các cấp, ngành chăm sóc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự bình yên của nhân dân thành phố.
Gửi lời chia sẻ với đồng bào nhân dân, cử tri thành phố về những đau thương mất to lớn do bệnh dịch COVID-19 trong những ngày qua, Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những vất vả khó khăn của đội ngũ bác sĩ cán bộ ngành y tế ngày đêm hỗ trợ chăm sóc người bệnh; đồng thời đánh giá cao quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua những khó khăn gian khổ để trở lại cuộc sống gần bình yên trong thời điểm này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến thời điểm này, đỉnh dịch tại thành phố đã qua, nhưng những khó khăn hiện nay vẫn còn rất lớn và nhiều thách thức, Thành phố không được chủ quan để đạt được trạng thái bình thường mới.
Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động tiêm chủng vaccine và năng lực điều trị COVID-19; đồng thời tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian qua để đề ra phương án, kế hoạt kiểm soát rủi ro ở mức độ rộng hơn sau khi mở cửa trở lại.
Tại buổi tiếp xúc, đã có 21 ý kiến các cử tri là cán bộ y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, giảng viên Đại học chuyên ngành y… trình bày đến các đại biểu Quốc hội một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả y tế cơ sở, thu hút y tế tư nhân trong tham gia phòng, chống dịch; kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19; chế độ cho nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch.
Một số lớn ý kiến nhất trí với kiến nghị Nhà nước sớm nghiên cứu, cho phép triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi để thích ứng với điều kiện trẻ em trở lại trường học khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới; kiến nghị chuyển giao quyền quản lý Trung tâm y tế cho ủy ban nhân dân các quận huyện cho phù hợp với chức năng và thực tế hoạt động.
Đại diện các cử tri nhất trí cao đánh giá vai trò quan trọng của y tế cơ sở, y tế cộng đồng và hoạt động khám chữa bệnh tại nhà, mô hình bác sỹ gia đình và kiến nghị cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, y tế cộng đồng cũng như chế độ tiền lương, đãi ngộ phù hợp.
Đại diện các bệnh viện cùng cho rằng chính sách thanh toán tiền chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện đang có sự chồng chéo, không thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội, vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện…
Giải đáp kiến nghị của cử tri, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong kế hoạch phòng, chống phục hồi kinh tế của Thành phố thời gian tới đã đặt vấn đề củng cố hệ thống y tế là một trụ cột chính với phát triển y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi sau điều trị; phát huy hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, trong đó quan tâm củng cố y tế cơ sở với sự đầu tư đúng mức để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu về ý kiến phát triển mô hình bệnh viện điều dưỡng, chăm sóc tinh thần, tâm lý cho người dân hậu COVID; phát huy quân dân y kết hợp, bác sỹ gia đình đã đưa vào kế hoạch và phân bổ nguồn lực nghiên cứu trong thời gian tới cũng như đề nghị thí điểm cơ chế chính sách đặc thù huy động các nguồn lực xã hội cho sự phát triển của thành phố.
Ghi nhận ý kiến cử tri ngành y tế và đại diện một số Bộ, ngành, Chủ tịch nước đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu, tổng hợp ý kiến cử tri để kiến nghị Quốc hội trong các Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục nâng cao vai trò hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng trong công tác hướng dẫn, vận động nhân dân bình tĩnh, thích ứng an toàn với tình hình mới.
Hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động để sẵn sàng đảm nhiệm những phần việc sau khi lực lượng tình nguyện y tế hỗ trợ rút đi cũng như sức ép do tình hình dịch bệnh từ các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch nước nhấn mạnh theo kế hoạch chúng ta đã có đủ vaccine để phủ 70% dân số trong thời gian tới, do đó, Chủ tịch nước đồng tình với điều chỉnh chiến lược của Chính phủ từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn với COVID -19 để vừa phóng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chủ tịch nước nói: "Chúng ta phải có chương trình kiểm soát tốt hơn khi chúng ta thích ứng an toàn đồng thời lưu ý nguy cơ dễ lây lan dịch trong mùa Đông."
"Chúng ta mở cửa nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, an toàn. Đó là nhiệm vụ rất lớn của y tế cả nước và đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh," Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trên cơ sở kế hoạch phục hồi và tái thiết kinh tế của thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán thành với nhiều đề xuất của các cử tri nêu ra là tiếp tục kiểm soát rủi ro ở quy mô rộng hơn khi các hoạt động mở cửa trở lại; tiếp tục đẩy mạnh tiêm phủ vaccine cho người dân, rút kinh nghiệm để có biện pháp hạn chế cao nhất số ca tử vong. Không chỉ chống dịch ở địa bàn thành phố, Chủ tịch nước cũng đề nghị thành phố phối hợp, hỗ trợ các địa phương lân cận.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm hơn đến công tác dự báo, đề cao năng lực ứng phó của ngành y tế, chủ động sẵn sàng với các tình huống phát sinh.
Qua thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua tại thành phố cho thấy mô hình điều trị của thành phố là đánh chặn từ xa, chăm sóc từ cộng đồng là một điểm sáng, đi trước cả nước vì thế mô hình này cần được tiếp tục cập nhật, nghiên cứu, hoàn thiện trong tình hình mới để chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương.
Bên cạnh đó, mô hình huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hệ thống tư nhân trong phòng, chống dịch là một kinh nghiệm quan trọng, quý báu trong được cần bổ sung trong xây dựng cơ chế, chính sách cho công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ tán thành với các các cử tri về việc cần đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch; huy động để tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, qua đó tổ chức lại và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đáp ứng các thách thức mới về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cần tổng kết đánh giá, đề xuất những mô hình bác sỹ chuyên sâu, bác sỹ gia đình, trạm y tế lưu động, các hình thức huy động y tế trong trường hợp đại dịch, trường hợp khẩn cấp… để từ đó là bài học ứng phó với nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác ngoài dịch bệnh./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()