Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:20 (GMT +7)
Chủ tịch nước gặp mặt các cháu thiếu nhi tiêu biểu của 54 dân tộc
Thứ 5, 22/09/2022 | 16:31:05 [GMT +7] A A
Sáng 22/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt 263 thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho thiếu nhi của 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước tham gia Liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV, năm 2022. Cùng dự, có đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa, góp phần ghi nhận, biểu dương các cháu thiếu nhi dân tộc tiêu biểu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, lần đầu tiên sau 4 kỳ liên hoan, tại kỳ liên hoan lần này đã có đủ đại diện của 54 dân tộc anh em đến từ 63 tỉnh, thành phố; là con em cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, viên chức; thiếu nhi dân tộc có thành tích học tập, rèn luyện tốt được nhận hỗ trợ của Quỹ học bổng Vừ A Dính.
Tại buổi gặp, các đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đã báo cáo về thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, quá trình nỗ lực phấn đấu, chia sẻ về những ước mơ, hoài bão; cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo và bày tỏ nguyện vọng được tạo điều kiện hơn nữa trong học tập, tu dưỡng và phấn đấu.
Vui mừng gặp gỡ các thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho thiếu nhi của 54 dân tộc anh em, thế hệ măng non - tương lai của đất nước, biểu hiện cho tình đoàn kết, gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp, những tình cảm yêu thương và ấm áp nhất tới các cháu.
Chủ tịch nước cũng biểu dương Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến tổ chức Liên hoan ý nghĩa, đánh giá cao những đóng góp của Quỹ học bổng Vừ A Dính.
Chủ tịch nước nêu rõ, sinh thời, Bác Hồ luôn dành trọn tình yêu thương cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, dành tình cảm đặc biệt sâu sắc cho thiếu nhi dân tộc thiểu số.
Thấm nhuần tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc, về công tác chăm lo thiếu niên nhi đồng, Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách và các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Với gần 16 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng trong cả nước, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, các lực lượng xã hội; các cấp Đoàn, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh phát huy tốt vai trò trong tổ chức chương trình, hoạt động chăm lo cho thiếu nhi các dân tộc.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi được biết các cháu thiếu nhi đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để đạt thành tích cao trong học tập, là con ngoan, trò giỏi; tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, nhiều cháu đã đạt được thành tích cao trong những sân chơi, cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế.
Biểu dương thành tích đã đạt được, Chủ tịch nước mong muốn các cháu thiếu nhi tiếp nối truyền thống vẻ vang của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam, phát huy truyền thống của dân tộc, tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước, không ngừng thi đua học tập, rèn luyện, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, là những người con ưu tú trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước khuyên các cháu thiếu nhi học tập chăm chỉ, rèn luyện thể chất để có đầy đủ trí và lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Chủ tịch nước nhắc nhở các cháu vâng lời ông bà cha mẹ, cố gắng thi đua học tập và rèn luyện, đoàn kết, chăm ngoan, lan tỏa tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”, chăm đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn, trau dồi tri thức, rèn luyện kỹ năng sống, gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Nhấn mạnh thiếu niên là chủ nhân tương lai của đất nước, Chủ tịch nước tin tưởng sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tấm gương vượt khó học giỏi, tấm gương thiếu nhi tiêu biểu, xứng đáng với niềm tin của cha mẹ, của thầy cô, của xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt, trong năm học 2022-2023 sẽ có thêm nhiều học sinh giỏi, xuất sắc đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc, chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn để thiếu nhi các dân tộc có điều kiện học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, trở thành những công dân có ích cho đất nước, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể...
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm đời sống sinh hoạt của các cháu thiếu niên, nhi đồng, tiếp tục quan tâm, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ thiếu nhi dân tộc, ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự phối hợp cả ba nhân tố là gia đình, nhà trường và xã hội để tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy học, bồi dưỡng kiến thức cho trẻ em, chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho các em để đối phó với nghịch cảnh hay các tình huống nguy hiểm như trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, đuối nước...
Chủ tịch nước lưu ý Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát huy vai trò của cán bộ phụ trách thiếu niên, nhi đồng; mỗi cán bộ Đoàn-Hội-Đội các cấp phải luôn trăn trở, tâm huyết xây dựng những chương trình, phong trào bổ ích, mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc, góp phần truyền cảm hứng, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng, đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi, địa bàn, phong tục tập quán của các dân tộc.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()