Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:25 (GMT +7)
Chủ tịch Hội Phụ nữ nhiều ý tưởng sáng tạo
Thứ 2, 31/05/2021 | 08:44:44 [GMT +7] A A
Chỉ sau gần 5 năm gắn bó với công tác hội, chị Đào Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hà Trung (TP Hạ Long) đã có rất nhiều ý tưởng để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường thành những chương trình hành động cụ thể. Đến nay, các mô hình như: Biến rác thành tiền, làm gạch sinh thái từ túi nilon, đường tranh, đường hoa, tái chế dây đai buộc gạch... đã được nhân rộng ra 33 xã, phường trong toàn thành phố. Và từ những mô hình này, không ít chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
Nhớ lại những ngày đầu làm công tác hội, qua tiếp xúc và trò chuyện với chị em phụ nữ của phường, điều đầu tiên chị Huyền nhận thấy là nhiều người rất chịu khó, nhưng thu nhập còn thấp, vì công việc bấp bênh, hoặc bị hạn chế vì sức khỏe. Chị Huyền đã nảy ra ý tưởng “biến rác thành tiền”, vừa có thêm một khoản hỗ trợ cho các hội viên, vừa bảo vệ được môi trường, chống rác thải nhựa.
Năm 2016, chị Huyền bắt đầu với việc vận động, triển khai phân loại rác ở các hộ dân. Để mô hình đi vào thực tế, chị đã lựa chọn những hội viên không ngại khó, ngại khổ, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia cùng làm. Chị Huyền đã cùng mọi người đến từng quán ăn, nhà hàng, quán nước trên địa bàn trong và ngoài phường, đặt vấn đề thu gom vỏ lon bia giúp phụ nữ nghèo khó khăn. Hằng tuần, hằng tháng, chị trực tiếp đi cùng mọi người đến các hộ gia đình, các nhóm tổ phụ nữ thu gom phế liệu để chuyển về nơi tập kết. Toàn bộ số tiền bán phế liệu thu được, Hội Phụ nữ phường dùng để ủng hộ các gia đình hội viên khó khăn, dần dần mọi người đều thấy quý, trân trọng và ủng hộ mô hình rất nhiệt tình.
Từ thành công bước đầu này, chị Huyền cùng các chi hội đã tiếp tục mạnh dạn triển khai thêm những sáng kiến liên quan đến giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng rác thải nhựa, như: Lựa chọn những đoạn đường trọng tâm, đông dân cư qua lại để cải tạo các bờ tường hoen ố, rêu mốc thành những bức tường sống động theo các chủ đề về bảo vệ môi trường bằng những bức tranh vẽ (mô hình đường tranh); trồng hoa, treo các giỏ hoa leo tường từ vỏ can hộp nhựa ở những con đường mà trước đó là địa điểm tập kết rác tự phát của người dân (mô hình đường hoa)… Qua đó, diện mạo ở các khu phố ngày càng thay đổi, các hội viên và người dân ngày càng có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường.
Không bằng lòng với những kết quả đã làm được, chị Huyền lúc nào cũng trăn trở, suy nghĩ về việc làm thế nào để tạo thêm việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập và tạo động lực cho chị em phụ nữ vươn lên trong cuộc sống. Năm 2018, chị Huyền quyết định thông báo rộng rãi đến toàn thể hội viên để xin ý kiến và tìm kiếm ý tưởng của mọi người. Sau hơn 3 tháng tìm tòi, suy nghĩ, quan sát từ cuộc sống và sự tham gia của các hội viên, ý tưởng làm ra những sản phẩm tái chế từ dây đai buộc gạch chính thức được thực hiện.
Để hội viên say mê với mô hình mới, mỗi tối, sau giờ làm việc, chị Huyền thường dành thời gian tâm sự và lắng nghe những trao đổi, đóng góp ý tưởng cải tiến quy trình và chất lượng sản phẩm, hoặc mày mò, học hỏi thêm các nguồn trong và ngoài nước, tìm kiếm các mẫu mã mới lạ, độc đáo. Từ những chiếc dây đai nhựa bỏ đi, qua bàn tay của các bà, các cô, các chị, đã trở thành những chiếc làn đi chợ, giỏ đựng rác, giỏ đựng hoa quả, khay đựng đồ… xinh xắn đầy màu sắc.
Qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình đã thu hút hàng trăm hội viên trong và ngoài phường tham gia, thu gom trên 2 tấn dây đai buộc gạch ngói, hơn 1.500 sản phẩm đã được bán và tiêu thụ tại các hội chợ OCOP của tỉnh và hội chợ ở các thành phố lớn khác, như: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Hiện nay mô hình này đã trở thành một trong những mô hình tạo sức lan tỏa nhất của Hội Phụ nữ tỉnh. Và điều quan trọng nhất là mô hình đã tạo việc làm ổn định cho 25 hội viên; mở rộng dạy nghề cho 50 hội viên phụ nữ khác, trong đó có cả những bệnh nhân nghèo ở "xóm chạy thận" tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chị Thân Thị Hải (tổ 7, khu 1, phường Hà Trung) chia sẻ: Chồng tôi mất đã 20 năm, hàng ngày tôi dọn dẹp vệ sinh ở chợ Hồng Hà (phường Hồng Hà) với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng để nuôi 2 con. Từ khi tham gia mô hình, tôi đã phát huy được khả năng đan lát của mình, trở thành thợ đan chính trong tổ, mỗi tháng có thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng nữa. Có thể nói là từ những ý tưởng của chị Huyền, không chỉ giúp phụ nữ ổn định cuộc sống, mà điều quan trọng là cho chúng tôi có thêm sự tự tin làm chủ cuộc đời.
Với những cống hiến đầy tâm huyết trong công tác Hội, những năm qua, chị Huyền liên tục nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019; phong trào thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020; phong trào thi đua Dân vận khéo năm 2020 và mới đây nhất là Bằng khen cá nhân điển hình tiên tiến thực hiện xuất sắc Chỉ thị 05-CT/TW giai đoạn 2016-2021 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()