Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:27 (GMT +7)
Chủ tịch Hoàng Long 'Thương ngày nắng về' ngoài đời có 'ba bà vợ'
Thứ 2, 25/04/2022 | 10:11:16 [GMT +7] A A
Là nguyên nhân chính gây chia rẽ quan hệ của mẹ con bà Nhung, chủ tịch Hoàng Long “Thương ngày nắng về” đã dần lộ bộ mặt thật mưu mô xảo quyệt. Người đóng vai này là NSND Tiến Đạt, ngoài đời khác hẳn trong phim, anh luôn tự hào mình sống hòa thuận với “ba bà vợ”.
Chủ tịch Hoàng Long không phải là vai phản diện đầu tiên của NSND Tiến Đạt. Trái lại, đóng phản diện là sở trường của anh. Một đồng nghiệp của Tiến Đạt ở Nhà hát Kịch Hà Nội kể: “anh Đạt rất hiền, không hiểu các đạo diễn nhìn thế nào, toàn giao vai “cường hào ác bá”. Lúc mới vào nhà hát em cũng nghĩ anh này chắc ghê lắm, sau sống lâu mới biết. Chả có “thổ hào” nào ngoài đi diễn lại cặm cụi may comple lấy tiền sinh sống đâu”.
Sở hữu chiều cao khiêm tốn chỉ khoảng 1m60 cùng gương mặt có nét "gian gian", NSND Tiến Đạt cho hay, ngay từ khi bén duyên sân khấu anh đã được mặc định vào vai phản diện, bởi vai chính diện chả ai lại “lùn xấu” như thế.
Tính đến nay, hầu hết các nhân vật mà NSND Tiến Đạt từng hóa thân phần lớn là phản diện, có nét tính cách mưu mô, xảo quyệt và rất nham hiểm. Nam diễn viên cũng từng chia sẻ rằng trong sự nghiệp làm nghề của anh, số vai tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là phản diện. Dạng vai này đã làm nên thương hiệu cho diễn viên, khiến nhiều đạo diễn cứ muốn tìm người đóng vai “đểu” thì đều nghĩ đến Tiến Đạt.
Nghệ sĩ Trung Hiếu nói về đồng nghiệp đàn anh của mình: Anh em nghệ sỹ trong Nhà hát Kịch Hà Nội thường hay nói đùa rằng: Tiến Đạt giống như một chiếc đồng hồ, luôn chính xác, chỉn chu và đều đặn. Cô Đẩu Công Lý trong một lần trả lời phỏng vấn cũng đùa: “Đối thủ “du côn” của tôi trong Nhà hát chính là Tiến Đạt. Người cường hào, kẻ ác bá, nhưng cái sự “ác” của anh Đạt nó thường ẩn sau vẻ ngoài đạo mạo, tôi thì “ác” bong ra ngoài”.
Hầu hết các vai diễn kể cả sân khấu và truyền hình của NSND Tiến Đạt đều là những vai giàu có, có chức có quyền như cán bộ tỉnh, doanh nhân thành đạt, nhà tài phiệt… song lại ẩn chứa nhiều mưu mô, thủ đoạn và tàn nhẫn.
Vai chủ tịch tập đoàn thời trang Hoàng Kim trong “Thương ngày nắng về” cũng có chút điểm tương đồng với NSND Tiến Đạt bởi ngoài đời anh cũng sở hữu một cửa hàng may comple nổi tiếng ở phố Hàng Dầu. Từ bé cuộc sống của Tiến Đạt đã gắn liền với cuộn vải, cây thước, chiếc kéo vì bố anh là nghệ nhân may mặc nổi tiếng - Tiến Thành, nổi tiếng đất thủ đô từ thập niên 40-50. Bố nam nghệ sĩ cũng hướng cho con trai theo nghề truyền thống của gia đình nhưng anh lại đam mê với nghệ thuật.
Thời gian đi làm ở Nhà hát Kịch Hà Nội, 100% NSND Tiến Đạt dùng “xe căng hải”. Giống như nhiều nghệ sĩ khác, cuộc sống của gia đình Tiến Đạt khá giả nhờ “phi thương bất phú”. Lúc khó khăn, vợ anh mở cửa hàng bán giày dép ngay trước cửa nhà.
NSND Tiến Đạt lúc nào cũng tự nhận với truyền thông và khán giả rằng mình có tới “3 người vợ”. Vợ cả chính là người kí tên trên tờ đăng kí kết hôn - nghệ sĩ Hồng Loan, lớp trưởng lớp diễn viên trường Sân khấu khóa 1968-1971. Cuộc hôn nhân của họ khá bình yên, bền chặt và hạnh phúc sau mấy thập kỷ. Người vợ hai được NSND Tiến Đạt nhắc đến đó chính là nghề may được thừa hưởng từ người bố, cũng chính là công việc giúp anh nuôi sống cả gia đình và vợ ba chính là “nghề âm thanh” mà anh theo đuổi nhiều năm.
Tiến Đạt bắt đầu chơi âm thanh từ năm 1982 –thời kỳ cả đất nước còn đang khó khăn. Do kinh tế không dư dả nên anh chơi “rón rén” bằng cách mua dần từng bộ phận, từng chi tiết.
Khởi nghiệp bằng một cái đầu CD Akai 46D và đắp chiếu để đấy, 4 tháng sau anh tậu thêm bộ amply TK- 140X, sau cùng mới là bộ loa AR4. Mặc dù rất đam mê nhưng anh quan niệm mỗi người có một cách “cháy” riêng và anh thường nói vui với mọi người: “Tôi không phải là người nóng vội đến mức bán cả bộ salon đang ngồi, chấp nhận ngồi đất và cho rằng đó là cách ngồi thú vị của Nhật Bản…”.
Ngay từ thời thơ ấu gia đình NSND Tiến Đạt còn sinh sống ở 48 – Lê Thái Tổ (cạnh Công an quận Hoàn Kiếm), cứ chiều thứ 7 hàng tuần nhà anh là điểm đến của bạn bè hai cụ thân sinh có cùng sở thích khiêu vũ. Đấy là thời hưng thịnh của loại đĩa than 78 (78 vòng/phút) và khi đó Tiến Đạt còn là một cậu bé 8,9 tuổi luôn là người nhận nhiệm vụ thay kim cho đĩa.
Cho đến nay nghe nhạc bằng đĩa than vẫn là niềm đam mê của anh bởi không chỉ thưởng nhạc bằng tai mà anh còn thưởng bằng cả những kỷ niệm của thời thơ ấu.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()