Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:10 (GMT +7)
Chủ động với những thay đổi của kỳ thi vào lớp 10
Thứ 2, 13/01/2025 | 09:00:36 [GMT +7] A A
Những năm qua, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT là một trong những kỳ thi khó khăn, cạnh tranh quyết liệt nhất. Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có những thay đổi đối với kỳ thi, cùng học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng có nhiều khác biệt, thì kỳ thi năm 2025 chắc chắn sẽ còn nhiều gian truân hơn đối với các học sinh lớp 9, đòi hỏi sự tích cực học tập, chăm chỉ ôn luyện ngay từ bây giờ.
Tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, toàn tỉnh Quảng Ninh có 16.000 thí sinh tham dự, tăng khoảng 500 thí sinh so với kỳ thi năm trước. Năm học 2024-2025, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt 10.534 chỉ tiêu tuyển sinh, 241 lớp 10 THPT hệ công lập và 6.953 chỉ tiêu tuyển sinh, 161 lớp 10 THPT hệ tư thục. Từ những con số của kỳ thi vừa qua cho thấy sự cạnh tranh để giành một suất vào trường công lập là rất lớn.
Nếu như những năm trước, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được tổ chức cố định 3 môn chung: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp) thì năm nay có sự thay đổi, đòi hỏi các nhà trường, giáo viên, học sinh phải có sự thích ứng kịp thời.
Theo Thông tư số 30/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, có hiệu lực từ 14/2/2025, thì có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, thông tư quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ 3 do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn từ các môn được đánh giá bằng điểm số, gồm: Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ 3 quá 3 năm liên tiếp.
Đối với các trường THPT thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
Các tỉnh, thành phố có thể công bố môn thi thứ 3 sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.
Về thời gian làm bài thi, Thông tư số 30/TT-BGDĐT quy định: Môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ 3 là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là chương trình học của lớp 9.
Cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ: Điểm xét tuyển là tổng điểm của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 với mỗi môn thi, bài thi. Với cách tính điểm mới này, tất cả bài thi đều nhân hệ số 1 là công bằng cho các học sinh, tránh việc các em học lệch, học tủ, đúng với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thông tư mới bổ sung quy định về tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm những quy định chung về ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi. Trong đó, giao quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi phù hợp với điều kiện thực tế. Các trường THPT thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu hoặc thực hiện theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mới được xây dựng trên ba nguyên tắc cốt lõi là: Không gây áp lực tốn kém cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội, với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số; Thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp học cao hơn hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng; Bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô, xây dựng được những quy định thống nhất trong toàn quốc, đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu.
Với việc Bộ Giáo dục – Đào tạo có thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thì ngành Giáo dục Quảng Ninh cần sớm có kế hoạch công bố môn thi, bài thi thứ 3 để các trường THCS có phương án học tập, ôn luyện cho khối học sinh lớp 9.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()