Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:25 (GMT +7)
Chủ động ứng phó với thiên tai
Thứ 3, 04/06/2024 | 14:42:44 [GMT +7] A A
Với vị trí ven biển, địa hình chia cắt mạnh, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của hầu hết các loại hình thiên tai, trong đó phổ biến là bão biển, mưa lớn gây lũ, sạt lở... Thực tiễn này đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của tỉnh.
Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, những năm qua tỉnh Quảng Ninh tăng cường các giải pháp PCTT-TKCN. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU (ngày 11/8/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, tỉnh xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”.
Trong 3 năm qua, Quảng Ninh triển khai 156 nhiệm vụ, dự án phục vụ công tác PCTT, tổng kinh phí trên 1.895 tỷ đồng. Điển hình là 3 dự án xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước; 3 dự án khu neo đậu tránh trú bão; 1 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu; 3 dự án duy tu bảo dưỡng đê; 2 dự án trồng, chăm sóc bảo vệ rừng... Cùng với đó, Quỹ PCTT tỉnh thực hiện 39 nhiệm vụ, dự án về khắc phục, sửa chữa công trình hư hỏng do mưa lũ gây ra; tổ chức các lớp tập huấn phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai...
Hiện nay, hệ thống đê của tỉnh có thể chịu được gió cấp 9, kết hợp thủy triều 10%, riêng đê Hà Nam (TX Quảng Yên) có thể chịu gió cấp 10 cộng thủy triều 5%. Trong tỉnh có 4 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện hoạt động; 4/5 hồ, đập chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ đã lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn hạ du. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2023/NQ-HĐND quy định nội dung, nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều làm cơ sở triển khai nâng cao năng lực hệ thống công trình PCTT trên đia bàn...
Theo kế hoạch, trong năm 2024 tỉnh tiếp tục đầu tư 10 trạm đo mưa, tăng khả năng, chất lượng cảnh báo, dự báo mưa lớn. Cùng với đó là 11 trạm khí tượng thủy, hải văn, 45 điểm đo mưa tự động, đo mực nước của tỉnh được kết nối với các trang thông tin của Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Dự báo, trong nửa cuối năm 2024, tình hình mưa, bão, lũ diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã và đang tập trung nhiều phương án PCTT, bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Điển hình như TKV chủ động triển khai công tác PCTT, lấy phòng làm chính, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Doanh nghiệp khai thác hầm lò tăng cường rà soát, kiểm tra bề mặt địa hình phía trên các khu vực khai thác, đào lò của đơn vị, nhất là những khu vực suối cạn, vùng trũng; kiểm tra hầm trạm bơm, tính toán bổ sung bơm, bảo đảm thoát nước trong điều kiện có mưa lớn, nâng cao năng lực bơm nước và hầm chứa nước của các mỏ; rà soát nâng cốt đối với các cửa lò đề phòng nguy cơ bị ngập do mưa lớn.
Trong quý I, các đơn vị của TKV cơ bản triển khai san lấp các vùng trũng, hố tụ thủy gây ngấm nước trực tiếp xuống hầm lò của các đơn vị khai thác than hầm lò; củng cố hệ thống kè, đập; đào, xúc, nạo vét hệ thống hố lắng, rãnh thoát nước mặt bằng các khai trường; sửa chữa, bảo dưỡng máy bơm, máy phát điện, tuyến ống bơm thoát nước... Các đơn vị chủ động phối hợp hiệp đồng, huy động lực lượng PCTT với chính quyền địa phương và các đơn vị xung quanh. Một số đơn vị như Than Cao Sơn, Tuyển than Hòn Gai, Than Hà Lầm, Than Mông Dương... đã tổ chức diễn tập thực binh các tình huống giả định sự cố do thiên tai, mưa bão, bản đồ tác chiến chỉ huy PCTT-TKCN.
Các doanh nghiệp khai thác lộ thiên cũng điều chỉnh những vấn đề liên quan đến kỹ thuật khai thác, thoát nước để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, mưa lớn; thực hiện đổ thải phân lớp theo đúng giới hạn, hướng, trình tự và kỹ thuật đổ thải. Các doanh nghiệp kho vận, quản lý cảng, vận tải thủy tổ chức gia cố, chống đỡ thiết bị bốc rót, bảo đảm an toàn khi có mưa bão, lốc xoáy; bố trí đủ phương tiện neo đậu, thực hiện các giải pháp an toàn cho tàu, thuyền... Với các bãi thải mỏ, TKV chỉ đạo cắt tầng trong quá trình đổ thải; đắp các tuyến đê chắn đất đá sạt trượt ở mỗi tầng; trồng cây hoàn nguyên và xây dựng các đập chắn đất đá sạt trượt tại chân bãi thải..
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh, nhất là địa phương có biển cũng chủ động phương án PCTT-TKCN. Tại Quảng Yên, ở khu vực cửa sông phần lớn diện tích được bao bọc bởi tuyến đê, thị xã đã xây dựng, cập nhật kế hoạch, triển khai phương án PCTT&TKCN theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, phòng chống lụt bão trọng điểm và phương án ứng phó thiên tai của các đơn vị. Với 9 cống tiêu dưới đê, cùng với nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các cống tiêu để đảm bảo khả năng chống chịu được bão, thị xã còn rà soát, kiểm tra đảm bảo hoạt động ổn định, điều tiết nước thông suốt...
Huyện Đầm Hà đã triển khai Dự án công trình đường giao thông phát triển sản xuất các thôn Bình Hải, Cái Giá, Tân Thành, Bình Nguyên (xã Tân Bình), tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách huyện, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2025. Huyện cũng tiếp tục bổ sung vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN; rà soát, tổ chức di dời các hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn...
Tại cuộc họp giao ban mới đây về thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU (ngày 11/8/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu các sở, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; đổi mới tư duy, cách tiếp cận theo tinh thần quản trị, quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó và phục hồi tái thiết. Tỉnh phấn đấu 100% cơ quan, tổ chức, hộ gia đình vùng ảnh hưởng của thiên tai được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai; 100% cơ quan hành chính các cấp, tổ chức và hộ gia đình vùng ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai, kỹ năng phòng tránh; 100% lực lượng làm công tác PCTT được trang bị đầy đủ kiến thức, trang thiết bị cần thiết...
Cùng với đó, hoàn thành sửa chữa, nâng cấp hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; 100% khu vực trọng điểm xung yếu về PCTT được theo dõi, giám sát chủ động, nhất là các điểm nguy cơ sạt lở lớn trên tuyến đường, ngầm tràn, bãi thải mỏ được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()