Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:03 (GMT +7)
Chủ động ứng phó với thiên tai
Thứ 5, 09/06/2022 | 14:00:55 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, tính trái quy luật của diễn biến thiên tai ngày càng rõ nét, cùng với đặc thù địa hình phức tạp đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn Quảng Ninh. Để phòng chống hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội. Nhiều biện pháp hiệu quả trong phòng, chống thiên tai đã được triển khai, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Diễn biến phức tạp, khó lường
Năm 2021, Quảng Ninh hứng chịu 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 9 đợt mưa lớn và 3 đợt rét đậm, rét hại. Nhờ kinh nghiệm phong phú trong công tác phòng, chống thiên tai; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp, đồng bộ của lãnh đạo tỉnh cùng sự nghiêm túc, chủ động của các ngành, địa phương, cũng như sự đồng lòng vào cuộc của các tầng lớp nhân dân... đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Toàn tỉnh không có thiệt hại về người, ước thiệt hại về vật chất khoảng 1 tỷ đồng (đắm 2 tàu chở vật liệu tại Đầm Hà đã trục vớt ngay; 17 ha lúa màu; tốc 100m2 mái tôn nhà dân; ngập lụt cục bộ ảnh hưởng khoảng 400 hộ dân tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Hải Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên; sạt lở khoảng 16.360 m3 đất đá, hư hỏng 67 rọ thép trên các tuyến đường giao thông toàn tỉnh...), giảm sâu so với những năm trước.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo trong năm 2022, có từ 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và có xu hướng sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đồng thời, theo dự báo, năm 2022, thiên tai vẫn tiếp tục xu hướng bất thường, cực đoan trái quy luật. Đơn cử, đợt rét đầu năm 2022 được đánh giá là đợt rét có nhiệt độ thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Đặc biệt, đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô (cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022) kèm theo dông lốc tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại gần 3.000 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh, ngay đầu tháng 5, đã xuất hiện đợt mưa lớn, lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động ngày 10/5 tại huyện Vân Đồn 277mm, thành phố Cẩm Phả 285mm. Đợt rét hại trong tháng 2/2022, gây ảnh hưởng cho ngành chăn nuôi tỉnh, thiệt hại ước khoảng 500 triệu đồng.
Chú trọng phòng ngừa
Để chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai sớm, quyết liệt, tập trung đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội.
Công tác phòng chống thiên tai được tổ chức toàn diện hơn đối với tất cả các loại hình thiên tai, được triển khai theo 3 bước cơ bản (phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả), từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Quan điểm của tỉnh là phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn xã hội, lấy phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" làm chủ đạo, huy động sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, nâng cao kỷ cương, kỷ luật khắc phục tư tưởng chủ quan, hình thức trong công tác phòng, chống thiên tai. Riêng đối với các địa phương có địa bàn dễ bị chia cắt, các tuyến đảo, tỉnh yêu cầu bổ sung thực hiện phương châm "Tự quản tại chỗ". Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường phát triển mạng lưới quan trắc, cảnh báo nâng cao chất lượng các bản tin dự báo để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai và thông tin đến đông đảo người dân, các cấp chính quyền để chủ động ứng phó. Công tác thường trực PCTT&TKCN được thực hiện thường xuyên, đảm bảo kể cả ngày nghỉ, lễ để tiếp nhận, xử lý tình huống kịp thời.
Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, đối với mỗi đợt thiên tai, cùng với việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành các chỉ đạo ứng phó với thiên tai một cách kịp thời, cụ thể. Đơn cử, ngay từ đầu năm 2022, để ứng phó với rét hại (được đánh giá là một trong những đợt rét hại có nhiệt độ thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây), Tỉnh ủy đã chỉ đạo về phòng chống rét đậm, rét hại tại Văn bản số 687-CV/TU ngày 27/01/2022 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 27/01/2022 về Phòng, chống rét hại trên địa bàn tỉnh năm 2022 và Văn bản số 923/UBND-NLN3 ngày 16/02/2022 về việc tiếp tục chủ động biện pháp phòng chống rét hại trên địa bàn tỉnh. Với sự chuẩn bị chu đáo từ trước và sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân nên đã giảm thiểu thiệt hại do rét hại gây ra.
Việc kiện toàn và phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, các ngành được tiến hành ngay từ đầu năm. Các phương án, kế hoạch PCTT & TKCN được rà soát, bổ sung để đảm bảo sát với thực tiễn của từng cơ sở, bám sát từng loại hình thiên tai đối với từng địa bàn để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo thiên tai giữa Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện và thành viên Ban chỉ huy cấp tỉnh; kịp thời tổng hợp và báo cáo diễn biến thiên tai; tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ huy ban hành các chỉ đạo, điều hành; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và người dân triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi; chủ trì xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ, phối hợp các địa phương đơn vị tăng cường trồng rừng và nâng cao chất lượng, giá trị của rừng...
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với nhiệm vụ cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, bổ sung cơ sở vật chất sẵn sàng thực hiện PCTT & TKCN phù hợp với diễn biến thực tiễn. Duy trì hoạt động 24/24 giờ của Đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long, nắm chắc tình hình, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra một cách hiệu quả.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các BOT lập phương án, chuẩn bị lực lượng, bố trí vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng cứu, khắc phục đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến khi có sự cố xảy ra. Kiểm tra, rà soát các tuyến đường, tuyến luồng đường thủy nội địa, thiết bị hạ tầng… tiến hành sửa chữa khắc phục; công bố, thông báo danh sách các vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền tránh trú bão. Ngành than chủ động có phương án, biện pháp đảm bảo an toàn cho sản xuất, an toàn cho người, đẩy nhanh tiến độ các công trình hoàn nguyên, thanh thải...
Các địa phương đã thực hiện kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện và lực lượng để phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và công tác hiệp đồng với lực lượng vũ trang luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Đồng thời, từ nhiều nguồn lực, các địa phương, đơn vị chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng chống thiên tai. Đơn cử, năm qua huyện Đầm Hà chi hơn 11 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 41 công trình thủy lợi. Huyện Ba Chẽ hoàn thành Đề án phòng chống lũ lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2019-2025 trị giá 86,1 tỷ đồng. TP Cẩm Phả phối hợp với các đơn vị ngành than, BOT Biên Cương nạo vét 50 tuyến mương, suối trị giá gần 7 tỷ đồng. Đông Triều đầu tư 4,5 tỷ sửa chữa nâng cấp hồ Khe Tắm. TP Móng Cái hoàn thành Dự án Cảnh báo lũ tự động trên sông Ka Long trị giá gần 1,4 tỷ đồng và khắc phục sạt lở dốc U bò trị giá 42 tỷ đồng...
Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho người dân trong việc phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, các cấp, ngành cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền kỹ năng, nhận thức và tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống thiên tai. Chú trọng đến các vùng sâu, vùng dân tộc ít người, khu vực hay bị chia cắt và hải đảo, từ đó khắc phục tư tưởng chủ quan, đơn giản của một bộ phận người dân và các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh (Sở NN&PTNT): “Quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi”
Hiện, Quảng Ninh có hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo chủ động tưới tiêu tổng thể cho trên 83% diện tích tưới; đảm bảo nguồn nước cấp cho sản xuất công nghiệp và dân sinh; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,7% vào cuối năm 2020.
Trước tình hình thiên tai có diễn biến bất thường và ngày càng khốc liệt, tỉnh luôn quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, như các công trình thoát nước, nạo vét, nâng công suất trạm bơm tiêu; thực hiện các giải pháp xử lý tiêu thoát nước chống ngập úng ở các khu dân cư tập trung, vùng thấp, vùng trũng. Riêng tại Đông Triều, tỉnh hiện đã cho phép lập chủ trương đầu tư xây dựng trạm bơm Đạm Thủy với công suất tiêu lên 60.000 m3/giờ. Khi trạm bơm được đưa vào khai thác vận hành, tổng công suất bơm tiêu của TX Đông Triều là 175.000 m3/giờ, qua đó đảm bảo tiêu thoát trong điều kiện mưa lớn xảy ra trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả: “Đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”
Để chủ động ứng phó với bất thường của thời tiết, phòng chống thiên tai, Cẩm Phả xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; phân công cụ thể từng thành viên, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kịp thời giữa ban chỉ huy đến cơ sở. Cùng với đó, thành phố cũng rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu trên địa bàn có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đá, lũ quét... xây dựng kế hoạch hiệp đồng phòng chống thiên tai.
Đồng thời, thành phố tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện các phương án chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai; chú trọng phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”; chủ động rà soát, bổ sung phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão, xây dựng phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất đá bãi thải, ngập lụt.
Thành phố cũng đề nghị ngành than chỉ đạo các công ty thành viên đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn nguyên môi trường, các công trình phòng chống lụt bão; có phương án nạo vét, khơi thông dòng chảy, mương, suối trước mùa mưa bão...
Ông Vũ Trọng Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh: “Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hồ Yên Lập”
Hồ Yên Lập là công trình thuỷ lợi lớn nhất tỉnh với dung tích 127,5 triệu m3; đập chính dài 270m, chiều cao đập 37m cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí. Ngay từ những tháng đầu năm, chúng tôi đã chủ động kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống dàn van của nhà điều khiển đầu kênh lấy nước và nhà điều khiển cửa van xả tràn. Đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, để có phương án tiêu thoát nước đệm, tính toán lượng mưa, lũ về hồ để xây dựng phương án xả tràn, cắt lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hồ Yên Lập trong mùa mưa bão năm nay.
Theo chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã hoàn thành xử lý tình trạng thấm nước hồ Yên Lập. Bên cạnh đó, công ty đang tham mưu cho tỉnh phương án nâng dung tích hồ Yên Lập thêm khoảng 14 triệu m3 nước/năm; phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp kín hóa các kênh dẫn nước chính để đảm bảo an toàn, chất lượng nguồn nước và tránh tai nạn đuối nước do kênh hở; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước.
Ông Vi Xuân Bằng, khu Bình An, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu: “Chủ động để đảm bảo an toàn cho nhân dân”
Những năm gần đây thời tiết trên địa bàn huyện Bình Liêu cũng như nhiều địa phương trên toàn tỉnh thay đổi theo hướng khắc nghiệt hơn, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, lao động sản xuất của người dân.
Trước mùa mưa bão, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, địa hình huyện Bình Liêu có nhiều núi cao, nhiều khe, suối, nguy cơ sạt lở, lũ tại các khe, suối có thể xảy ra. Thời gian qua, chính quyền địa phương ngày càng chủ động hơn trong công tác dự báo, cảnh báo cho các hộ dân, đảm bảo an toàn cho các hộ trong vùng sạt lở. Trước mùa mưa bão, địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động hộ dân trong vùng nguy hiểm di chuyển đến nơi an toàn. Người dân cũng đã chủ động gia cố nhà ở, chuồng trại, bảo vệ cây trồng, vật nuôi để giảm thiệt hại về con người, tài sản trước mùa mưa lũ. Đặc biệt hơn khi huyện hoàn thành 12 đường tràn qua suối bằng hệ thống cống hộp khổ lớn giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn, người dân không còn phải lo sợ chia cắt giao thông khi mùa mưa, lũ đến nữa. Công tác duy tu, bảo dưỡng, phát quang hai bên đường được tăng cường, đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Tôi mong muốn, chính quyền tiếp tục phát huy tốt những mặt đã đạt được trong công tác phòng chống thiên tai thời gian qua, tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện, thay thế toàn bộ hệ thống đường tràn vượt lũ bằng hệ thống cống hộp, tiếp tục có những thông báo, dự báo nhanh, kịp thời tới người dân, để người dân chủ động hơn trong việc phòng chống.
Thanh Hoa - Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()