Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:21 (GMT +7)
Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại
Thứ 3, 24/10/2023 | 14:16:50 [GMT +7] A A
Thời gian này, ngành sản xuất trong nước đã đón nhận nhiều tin vui về kết quả điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu.
Có thể kể đến như việc Thái Lan chấm dứt áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm hay Hoa Kỳ kết luận ống thép hàn carbon không lẩn tránh thuế. Sự gia tăng kiến thức và chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại từ doanh nghiệp trước các vụ việc, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng đã giúp bảo vệ thành công, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mới đây nhất, với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19. Mức thuế sơ bộ lần này giảm đáng kể so với trước đó. Có được kết quả này do có thêm 4 doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện bảng hỏi điều tra để có mức thuế riêng rẽ tốt hơn và hạ được mức thuế còn 0,14 USD/kg đủ mở ra cơ hội xuất khẩu.
Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: "Doanh nghiệp bị đơn tham gia vào vụ kiện này đã rất tích cực tập hợp đầy đủ dữ liệu theo yêu cầu từ phía DOC Hoa Kỳ. Sau 120 ngày mới có kết quả chính thức".
Còn Bộ Công Thương đã chủ động theo dõi trên 170 mặt hàng và xây dựng Danh sách cảnh báo sớm các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu. Căn cứ vào đây, các ngành hàng tự điều chỉnh để tránh nguy cơ bị kiện.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Trong số 170 mặt hàng chúng tôi đánh giá 17 mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ có khả năng bị điều tra. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ đó, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc để xem xét cân đối chiến lược sản xuất, kinh doanh".
Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với tổng số 59 vụ và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng để bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Trải qua nhiều vụ kiện, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã quen với các quy trình, yêu cầu của phía cơ quan điều tra, đồng thời có sự đầu tư bài bản về hệ thống kế toán cũng như dịch vụ tư vấn pháp lý nên đã dành được nhiều kết quả có lợi. Các vụ việc liên quan đến cá tra, tôm, ống thép, sợi, mật ong... là những điển hình.
Khi Việt Nam tham gia càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, thị trường nhiều hơn cũng có nghĩa càng phải chủ động hơn trước các vụ kiện phòng vệ thương mại để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()