Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:06 (GMT +7)
Chủ động ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống
Thứ 5, 01/07/2021 | 08:48:27 [GMT +7] A A
“Phải lấy bảo vệ an ninh chính trị là cốt lõi, xuyên suốt, bảo vệ an ninh kinh tế làm nền tảng. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh quốc gia với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về QP-AN, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế”. Đây là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tại lễ khai giảng Khóa bồi dưỡng, tập huấn về “Quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống” cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các ban, ngành của tỉnh, tháng 10/2020.
Quán triệt tinh thần đó, lực lượng an ninh kinh tế Công an tỉnh đã chủ động nghiên cứu, nhận diện các thách thức an ninh phi truyền thống liên quan đến công tác công an để tập trung làm tham mưu, triển khai các biện pháp ứng phó; trong đó, tập trung phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm kinh tế quốc tế.
Thiếu tá Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh), cho biết: Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, hạ tầng, giao thông... cũng là yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT, nhất là hoạt động buôn lậu, vi phạm bản quyền, sản xuất lưu hành tiền giả, kinh doanh tiền tệ trái phép, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tại nhiều dự án lớn được tỉnh kêu gọi đầu tư với số vốn hàng tỷ USD, sử dụng hàng ngàn ha đất, có nhiều công ty nước ngoài hoặc liên danh với Việt Nam đăng ký khảo sát, ký biên bản ghi nhớ với tỉnh. Tuy nhiên, năng lực tài chính, năng lực đầu tư, đại diện pháp nhân nước ngoài không rõ ràng, có nhiều khả năng lợi dụng chính sách ưu đãi để môi giới dự án.
Ngoài ra còn xuất hiện dấu hiệu chuyển giá, nâng giá, nhập lậu nguyên liệu, vật tư thiết bị vào các dự án; chi phối, làm giá đối với hoạt động biên mậu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, du lịch, lữ hành. Hiện tượng nhập lậu hàng hóa để trốn thuế còn xảy ra ở một vài doanh nghiệp, tuy nhiên mức độ không lớn và đã được lực lượng công an phát hiện, xử lý kịp thời.
Dấu hiệu của hoạt động “chuyển giá" theo hình thức nâng khống giá trị đầu vào thông qua quá trình nhập khẩu có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường khai tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu, khai báo khối lượng hàng hóa nhập khẩu thấp, sau đó mua hóa đơn trôi nổi trong nội địa để hợp thức hóa nguồn hàng gian lận.
Bên cạnh đó, tình hình buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, phần lớn các đối tượng phạm tội móc nối, đưa tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. “Qua công tác đấu tranh, điều tra, xử lý các đối tượng bị bắt giữ cho thấy, chủ yếu các đối tượng tiêu thụ, vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ; nguồn tiền giả có xuất xứ Trung Quốc, vận chuyển vào Việt Nam qua các cửa khẩu, đường mòn biên giới. Sau đó, các đối tượng người Việt dùng tiền thật mua tiền giả, bằng nhiều hình thức, thủ đoạn để đưa được hàng về Việt Nam” - Thiếu tá Nguyễn Minh Tâm cho biết thêm.
Để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng an ninh kinh tế Công an tỉnh luôn chủ động nghiên cứu hồ sơ đấu thầu, đánh giá bản chất, năng lực nhà đầu tư, thẩm định các tiêu chuẩn về môi trường..., tham mưu tỉnh có chiến lược phát triển kinh tế phù hợp, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đầu tư hiệu quả. Đặc biệt, lực lượng đã tham mưu tỉnh ký quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong trao đổi tài liệu về các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó có thể đánh giá đúng năng lực, bản chất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Lực lượng an ninh kinh tế cũng tập trung rà soát hoạt động của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để đấu tranh với việc lợi dụng chính sách ưu đãi của tỉnh để vi phạm pháp luật; tăng cường nắm tình hình hoạt động biên mậu, chủ động phát hiện, đấu tranh với hoạt động kinh doanh tiền tệ trái phép, buôn lậu.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()