Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:36 (GMT +7)
Chủ động ứng phó với nắng nóng
Thứ 4, 03/04/2024 | 07:53:22 [GMT +7] A A
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm; mùa lũ ở Bắc Bộ ít có khả năng đến sớm, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà có thể thiếu hụt 30-40% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng năm nay có 3 đặc điểm chính là nắng nóng đến sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm và cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm, có thể xuất hiện giá trị nhiệt cao lịch sử. Ở khu vực Đông Bắc Bộ, nắng nóng sẽ diễn ra trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, cao điểm nắng nóng gay gắt sẽ rơi vào tháng 6, tháng 7.
Nắng nóng gay gắt và kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe bởi con người sẽ dễ bị sốc nhiệt khi lao động ngoài trời và khi đi ra đi vào giữa các khu vực sẽ có sự chênh lệch nhiệt độ lớn. Cùng với đó, mùa nắng nóng sẽ rất dễ xảy ra tình trạng cháy rừng, cháy nổ. Mặt khác, sau những đợt nắng nóng sẽ có mưa rào và dông và những đợt mưa dông này sẽ có khả năng kèm theo hiện tượng lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là hiện tượng mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa sẽ rất dễ tàn phá cây trồng của nhân dân.
Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
Cùng với đó, tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh các giải pháp phòng, chống nắng nóng của các cấp chính quyền, mỗi người dân cũng cần chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra. Cụ thể là cần theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để có kế hoạch sản xuất, du lịch phù hợp, đảm bảo an toàn trong thời tiết nắng nóng. Đặc biệt là sử dụng các thiết bị điện, thiết bị phát điện hợp lý và đúng cách để không gây sự cố cháy nổ. Cùng với đó, cần có các biện pháp bảo vệ sức khỏe, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()