Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:59 (GMT +7)
Chủ động ứng phó với mưa lớn cục bộ
Thứ 3, 10/05/2022 | 17:48:38 [GMT +7] A A
Sáng ngày 10/5, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm, gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, tường bao tại một số khu vực.
Tính đến 10h ngày 10/5, một số địa phương có lượng mưa lớn, như: Vân Đồn 154mm; Ba Chẽ 150mm; Cẩm Phả 100mm; Hạ Long xấp xỉ 50mm; Bình Liêu 106mm...
Tại TP Hạ Long xuất hiện một số điểm ngập lụt ở các phường: Cao Thắng, Hà Lầm, Hà Phong, Yết Kiêu. Một số khu vực có điểm nước ngập sâu từ 0,5m đến 1m, còn ở nhiều điểm khác ngập từ 20-40cm. Nước ngập trong các khu dân cư không chỉ gây hư hỏng, thiệt hại tài sản của nhiều hộ dân, mà còn gây khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống của nhiều người dân, nhất là trẻ em khi đến trường. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải tràn vào nhà dân, cụm dân cư. Điển hình tại khu 3, phường Cao Thắng (TP Hạ Long) nước ngập cao khiến cho người dân trong khu vực không thể đi lại; nhiều phương tiện bị ngập nước hư hỏng nặng.
Đáng chú ý, tại huyện Vân Đồn, mưa lớn cục bộ đã làm một đoạn tuyến đường 334, đi qua thôn 1, xã Hạ Long, bị sạt lún khoảng 3m, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Ngay khi sự cố xảy ra, các lực lượng chức năng huyện Vân Đồn đã tiến hành chăng dây cảnh báo và điều tiết phương tiện lưu thông an toàn qua khu vực.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, do ảnh hưởng của gió Đông và Đông Nam ẩm hoạt động mạnh trên địa bàn miền Bắc, Quảng Ninh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm/đợt; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương miền núi Bình Liêu và Ba Chẽ; ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Uông Bí.
Trước diễn biến của mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân. Đồng thời, rà soát, sẵn sàng các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp.
Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), đơn vị thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt; thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến các hình thế thời tiết nguy hiểm, tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lụt, sạt lở đất, nhất là về con người, các cấp, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần chủ động phối hợp trong công tác phòng chống ngập lụt, sạt lở đất tại các khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông của tỉnh. Trong đó, khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt để cảnh báo người dân chủ động có biện pháp phòng tránh. Cùng với đó, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, hồ đập; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở đất đá...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()