Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:37 (GMT +7)
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ 5, 06/07/2023 | 07:18:22 [GMT +7] A A
Biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Để ứng phó với vấn đề này, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Trong đó việc đẩy mạnh tái sử dụng các chất thải năng lượng, khuyến khích các dự án năng lượng xanh, sạch, không quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than được tỉnh quan tâm triển khai.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ (NET ZERO). Hưởng ứng các nội dung của hội nghị, Quảng Ninh đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo để giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong đó, nổi bật là đổi mới tư duy của các cấp, ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường; đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.
Tỉnh cũng đưa ra một số đề án, chương trình, dự án trọng điểm triển khai thực hiện, bao gồm: Điều tra, xây dựng hệ thống thông tin các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nhằm đánh giá, dự báo lan truyền các chất ô nhiễm môi trường không khí tỉnh Quảng Ninh; lập kế hoạch quản lý ngoại lai xâm hại theo các vùng địa sinh thái để bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại một số địa phương trong tỉnh...
Đến nay, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường tự nhiên đã từng bước được cải thiện. Đặc biệt, ngành than, nhiệt điện và xi măng đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Hệ thống quan trắc môi trường tự động đã kịp thời phòng ngừa và kiểm soát toàn diện tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, tập trung vào các khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, trên diện rộng. Hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống ngăn lũ, thoát lũ, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đã được quan tâm đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, nhằm tái sử dụng chất thải năng lượng, tỉnh tập trung chỉ đạo việc nghiên cứu sử dụng đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác than hiện có để phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh. Đến nay Bộ TN&MT đã xem xét, giải quyết việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ của 4 khu vực với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3. Nguồn tài nguyên đất đá thải mỏ này đã được đưa vào phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tích hợp trong Quy hoạch tỉnh với 32 điểm bãi đất đá thải mỏ, cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 với trữ lượng khoảng 965 triệu m3.
Đối với tro, xỉ các nhà máy nhiệt điện than, theo thống kê với 7 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động sản xuất, số lượng tro bay, xỉ đáy lò thải ra hàng năm của các nhà máy lên tới 6-6,5 triệu tấn và được các nhà máy chứa tại các bãi thải xỉ. Triển khai thực hiện Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2056/QĐ-BCT ngày 13/9/2018 của Bộ Công Thương về việc ban hành mẫu Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, hiện 7/7 đơn vị nhà máy nhiệt điện đã đều xây dựng và phê duyệt Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của đơn vị. Các đơn vị đã chủ động chuyển giao tro, xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng để tái sử dụng hoặc làm phụ gia cho sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, san lấp mặt bằng, làm cốt nền đường giao thông đã giảm thiểu khối lượng tro xỉ lưu chứa tại các bãi thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Trong quá trình sản xuất điện, nguồn tài nguyên tuần hoàn chủ yếu là nước ngọt, do đó lượng nước ngọt cũng đã được các nhà máy nhiệt điện trộn với xỉ thải đưa ra hồ chứa thải xỉ. Sau đó sẽ thực hiện thu, lọc lại nguồn nước để tiếp tục cho chu trình thải xỉ tiếp theo.
Về phía các nhà máy sản xuất gạch, nhiều đơn vị cũng đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất gạch không nung từ xỉ thải nhà máy nhiệt điện theo công nghệ bán dẻo để thay thế gạch nung. Đồng thời chấm dứt khai thác sét làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng theo lộ trình để hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm phí nhà kính.
Nhờ những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực phát triển năng lượng nên từ năm 2019 đến nay, chỉ số quản trị môi trường của tỉnh gồm 3 chỉ số thành phần là: Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước đều đạt cao và đứng trong tốp đầu cả nước.
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Mặc dù đã có nhiều chuyển động tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ chưa có hướng dẫn mới quy định đối với hệ thống điện mặt trời áp mái vận hành sau ngày 31/12/2020 nên gần 3 năm không khuyến khích được người dân đầu tư, lắp mới hệ thống điện mặt trời áp mái. Giai đoạn 2016-2021, Quảng Ninh đã quan tâm thu hút nguồn năng lượng gió tại đảo Cô Tô nhưng đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư thực sự quan tâm. Nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo dây chuyền công nghệ nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng trong ngành Than, sản xuất điện là khá lớn nhưng hiện nay các ngân hàng nước ngoài đang hạn chế tài trợ vốn, nhất là cho các dự án nhiệt điện than vì vấn đề môi trường… Nếu như giải quyết được những khó khăn trên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong chuyển dịch năng lượng của Quảng Ninh sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()