Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:13 (GMT +7)
Các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với bão số 2 (Bão Prapiroon)
Thứ 2, 22/07/2024 | 15:18:46 [GMT +7] A A
Trước diễn biến của bão số 2 (Bão Prapiroon), các địa phương và đơn vị đã chủ động, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó.
*/ TP Hạ Long
Chiều 22/7, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long và các đồng chí lãnh đạo Thành phố đã đi kiểm tra một số khu vực trên địa bàn để chủ động, kịp thời triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão số 2 và mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Kiểm tra vị trí taluy âm bị sạt lở tại tổ 2, khu 7, phường Hồng Hải và khu vực tránh trú bão cho tàu thuyền tại cảng Cái Xà Cong (phường Hà Tu), đồng chí Bí thư Thành ủy Hạ Long yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của cơn bão. Đồng thời, tăng cường bám, nắm địa bàn, kiên quyết di chuyển người dân đến nơi đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản; triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các cơ sở nuôi trồng thủy sản về diễn biến của cơn bão số 2 và tổ chức thực hiện di chuyển đến khu vực tránh trú bão đảm bảo an toàn.
Kiểm tra tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các khu neo đậu, cảng tránh trú bão và các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển khác; các đồng chí lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, các công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng; chủ động kiểm tra, khơi thông hệ thống cống, mương thoát nước, tránh ngập úng khi mưa lớn; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè khi có bão.
Sau mưa bão, có thể sẽ có lượng rác từ đầu nguồn đổ xuống vịnh Cửa Lục và vịnh Hạ Long. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động nhân dân sẵn sàng tham gia vệ sinh môi trường, nhất là khu vực ven bờ biển, bãi tắm ngay sau khi bão tan.
Trước diễn biến của cơn bão số 2, TP Hạ Long chỉ đạo các cơ quan, đơn vị: Tập trung chỉ đạo triển khai mọi biện pháp, thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các nhà bè, người hoạt động trên biển về diễn biến của cơn bão, đồng thời tổ chức thực hiện di dời vào khu tránh trú báo đảm bảo an toàn; chủ động, khẩn trương kiểm tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu (đê, kè biển, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản...), vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa) và tổ chức di chuyển ngay người dân, tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
*/ Huyện Đầm Hà
Chiều ngày 22/7, các đồng chí lãnh đạo huyện Đầm Hà và Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 2 tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, các xã, thị trấn đã thành lập các tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; bố trí lực lượng trực 24h/ngày; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, cập nhật diễn biến, tình hình mưa bão đến người dân; kiểm tra, rà soát lại lực lượng và vật tư phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Đồng thời, tích cực kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn; đối với các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản cho di chuyển về nơi tránh trú hoặc gia cố chắc chắn tại chỗ, đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng trực chốt tại các khu vực ngầm tràn, cầu tràn, kiên quyết không để người dân đi qua khi mực nước đạt ngưỡng nguy hiểm; chủ động các phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Đến thời điểm hiện tại, 199 phương tiện tàu thuyền đã di chuyển về các khu vực bến và nơi tránh trú an toàn; 232 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi hàu đã chủ động gia cố lồng bè và di chuyển người về nơi an toàn.
Các xã chủ động phương án di dời các hộ dân ở trong nhà yếu, nhà thiếu kiên cố đến nơi an toàn; chủ động lực lượng gia cố các điểm sung yếu và chuẩn bị sẵn vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
*/ Huyện Cô Tô
Trước diễn biến của bão số 2 (bão Prapiroon), các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Cô Tô đã chủ động, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó.
Từ 4h00 đến 11h00, trên địa bàn huyện Cô Tô có gió Bắc cấp 3- 4, trời nhiều mây, mưa rải rác. Từ 11h30 đến 16h00, có gió Bắc và Đông Bắc mạnh dần lên cấp 5-6, có lúc cấp 7; trời nhiều mây, lượng mưa tăng dần.
Với phương châm “Bảo đảm an toàn tính mạng người dân, giảm tối đa thiệt hại do bão gây ra”, các đồn Biên phòng Cô Tô, đồn Biên phòng Thanh Lân, đồn Biên phòng Đảo Trần đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, sẵn sàng phòng, chống và ứng phó với cơn bão số 2.
Theo đó, các đơn vị đã thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến của bão; phối hợp chặt chẽ với thuyền trưởng, gia đình chủ phương tiện, lồng bè; tiến hành kiểm đếm, thông báo cho các loại phương tiện, nhất là tàu cá xa bờ biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh; kêu gọi, tuyên truyền người dân có phương án di dời phương tiện, lồng bè, đưa người lao động trên các lồng bè và phương tiện đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Tính đến chiều ngày 22/7, huyện Cô Tô có 796 phương tiện tàu, thuyền lớn nhỏ đang neo đậu, tránh trú. Các đơn vị đã bố trí các tổ cơ động thường trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, gồm: Xuồng máy, xe ô tô và cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan, chủ phương tiện để nắm tình hình; tuyên truyền, vận động thông báo diễn biến, tình hình của cơn bão để có phương án di chuyển, phòng, chống bảo đảm an toàn; điều động các tổ công tác dùng xuồng máy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, khu vực đơn vị quản lý, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.
Để chủ động ứng phó với bão số 2, huyện Cô Tô đã quán triệt, triển khai chỉ đạo của các cấp; ban hành các văn bản để chỉ đạo, chủ động ứng phó bão số 2 trên địa bàn huyện từ thời điểm chưa hình thành bão. Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, PCCC, PCCR và phòng thủ Dân sự huyện đã thực hiện giao ban nhanh để cử các tổ công tác nắm tình hình, chỉ đạo địa bàn. Các xã, thị trấn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, sẵn sàng ứng phó bão, thông báo dừng hoạt động các bãi tắm trên địa bàn, hướng dẫn, kêu gọi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án đảm bảo an toàn cho khách lưu trú. Theo thống kê, tính đến 16h ngày 22/7, tổng số du khách hiện có mặt trên địa bàn là 948 khách; trong đó có 9 khách quốc tế.
Cùng với đó, các đồn Biên phòng đã phối hợp với địa phương và các ban, ngành, chức năng tổ chức hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch trên các bãi tắm thu dọn tài sản, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão gây ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
*/ Huyện Vân Đồn:
Chủ động ứng phó bão số 2, huyện Vân Đồn đã thông báo cho các chủ tàu, thuyền, ngư dân hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm. Thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão, chủ động gia cố lại các lồng bè NTTS; đồng thời rà soát lại hệ thống đê điều; có phương án để xử lý kịp thời những nơi có thể xảy ra sạt lở, ngập lụt; huy động tối đa lực lượng ứng cứu tại chỗ. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở…, sẵn sàng di dân về nơi an toàn khi cần với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống.
Tính đến 13 giờ ngày 22/7/2024, đã có 1.526 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn được kêu gọi và nắm được thông tin để di dời vào các nơi tránh trú an toàn; 618 nhà bè NTTS đã được chính quyền các địa phương thông tin và yêu cầu hoàn thành việc gia cố, chằng chống trước 16h ngày 22/7; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ.
Huyện đã di dời được 400/700 người lên bờ, số người còn trên bè trông coi NTTS là 300 người, đã ký cam kết với các địa phương trước 16 giờ ngày 22/7/2024 di dời toàn bộ người lao động và chủ các nhà bè, tàu xi măng lên bờ. 81 phương tiện vận chuyển khách phục vụ các tuyến đảo đã chủ động tránh trú tại các bến Cảng cao cấp Ao Tiên, Khu tránh trú bão Cảng Cái Rồng, Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen an toàn. Hiện, huyện Vân Đồn còn 1.002 khách du lịch (Minh Châu 489 khách; Quan Lạn 479 khách; Ngọc Vừng 34 khách). Toàn huyện có 25 công trình hồ đập đã được các địa phương, đơn vị quản lý chủ động, lập phương án trong tình huống khẩn cấp đối với các hồ chứa trên địa bàn quản lý.
Huyện Vân Đồn đã huy động tất cả các lực lượng, tập trung thực hiện tốt phương châm 3 trước (chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ). Chủ động rà soát hệ thống đê điều, các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt cao, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống; đồng thời, tổ chức trực canh 24/24 giờ nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Đến 13h ngày 22/7/2024 thời tiết trên địa bàn huyện Vân Đồn mưa nhỏ, gió nhẹ.
*/ TX Quảng Yên:
Để ứng phó với cơn bão số 2 và hoàn lưu sau bão có khả năng diễn biến phức tạp dự kiến đổ bộ vào các tỉnh, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, ngay trong sáng ngày 22/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thị xã Quảng Yên tổ chức cuộc họp nhanh triển khai công tác phòng chống cơn bão số 2.
Ngay sau khi nhận được công điện chỉ đạo của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TX Quảng Yên đã họp, triển khai nhanh công tác phòng chống cơn bão số 2; dừng các cuộc họp không cần thiết tập trung triển khai các biện pháp phòng chống bão số 2 theo các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Thị ủy. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tập trung cao nhất công tác phòng chống cơn bão số 2, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
Thị xã yêu cầu các địa phương thông báo ngay cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo, đôn đốc gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chủ động đưa người tại các khu sản xuất trên biển lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước). Hoàn thành công việc này trước 16 giờ ngày 22/7/2024, yêu cầu liên lạc kết nối với tất cả các chủ tàu thuyền, các đầm, chòi đang NTTS di chuyển vào đất liền. Yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa sau bão.
Yêu cầu các xã, phường khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ”; tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ để người dân chủ động kịp thời ứng phó; rà soát địa bàn, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho phương án di dân tới nơi an toàn khi cần.
Ban Chỉ huy Quân sự, Công an thị xã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi có yêu cầu; trong đó Ban chỉ huy Quân sự thị xã rà soát nhanh lại với các đơn vị hiệp đồng để chủ động phương án phòng chống; Công an thị xã rà soát lại phương án phòng chống bão và tham gia với các địa phương kêu gọi những người NTTS vào bờ theo sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Đối với các công trường đang thi công các dự án, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu rà soát kiểm tra không để công nhân, người lao động ở lại các lán trại trên các khu vực đất yếu, gần sông biển đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản.
*/ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa ban hành công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 2 và mưa lớn.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn TKV yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão, mưa lớn, thực hiện nghiêm túc theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" theo đúng phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng. Yêu cầu các đơn vị có vận tải thủy kiểm đếm tàu, thuyền, phương tiện và thông báo di chuyển ra khỏi vùng có gió mạnh; neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão bảo đảm an toàn cho phương tiện và tài sản, hàng hóa. Thực hiện gia cố, giằng néo, chằng chống các thiết bị, kho tàng, nhà cửa, tài sản, nhất là các thiết bị có chiều cao lớn tại khu vực cảng biển.
Dự báo ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 2 sẽ gây mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, vì vậy các đơn vị cần tập trung khơi thông, nạo vét hệ thống thoát thoát nước phòng ngừa nguy cơ ngập úng. Gia cố, chống xói lở các công trình để phòng chống mưa bão, trong đó lưu ý công trình đập chắn +130 khu vực Tân Dân-Hoành Bồ, công trình kè +110 vỉa 7 và 8 mỏ Hà Tu. Đối với các đơn vị khai thác lộ thiên, TKV yêu cầu kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng bãi thải, khai trường, củng cố các đai tầng thoát nước đảm bảo không để nước chảy qua sườn tầng thải, tầng khai thác, hạn chế tối đa nước xuống moong khai thác. Riêng các đơn vị khai thác hầm lò yêu cầu các đơn vị kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện khi mất điện lưới.
Bên cạnh đó, TKV yêu cầu thực hiện tốt công tác phối hợp đảm bảo an toàn trong ứng phó với bão và mưa lớn giữa các đơn vị, trong đó lưu ý đến những khu vực trọng yếu như: Lò thoát nước mức +28 mỏ Đèo Nai; bãi thải Đông Cao Sơn từ mức +80 đến mức +210; mương thoát nước Anpha (Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu); chân bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn)…
*/ Trong ngày, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đồn biên phòng chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình thời tiết, triển khai kế hoạch phòng chống.
BĐBP tỉnh đã điều động hàng chục tổ công tác dùng xuồng máy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, khu vực đơn vị quản lý thông báo, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn.
Đơn vị đã bố trí 250 cán bộ, 25 phương tiện thường trực, sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống bão số 2; tuyên truyền, vận động, thông báo đến người dân về diễn biến, tình hình của cơn bão để có phương án di chuyển, phòng, chống bảo đảm an toàn.
Với phương châm “Bảo đảm an toàn tính mạng người dân, giảm tối đa thiệt hại do bão gây ra”, các đồn biên phòng trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị thông báo, kêu gọi 7.464 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển với 15.604 ngư dân về bờ. Hiện tại các tàu, thuyền đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão và di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng duy trì nghiêm nền nếp trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, phương tiện, tàu xuồng; kiểm tra, bảo đảm tình trạng kỹ thuật phương tiện, trang bị, vật chất làm nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão gây ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
*/ Để chủ động đối phó với bão số 2, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh chủ động triển khai các biện pháp phòng chống tại chỗ, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu, khắc phục, xử lý các tình huống xảy ra.
Theo đó, Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên cập nhập diễn biến bão số 2 trên các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực PCTT- TKCN theo quy định; nắm chắc tình hình thời tiết; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố về thiên tai, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội trên địa bàn về lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động ứng cứu, khắc phục, xử lý các tình huống xảy ra; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống không để bị động bất ngờ. Chủ động kiểm tra, chuẩn bị vật chất, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chằng buộc hệ thống kho tàng, doanh trại; đề phòng mưa to, giông lốc, có biện pháp chống dột, chống sập, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
Đội liên ngành TKCN trên vịnh Hạ Long duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên nắm chắc tình hình trên biển và diễn biến bất thường của thời tiết, sẵn sàng cơ động TKCN, ứng cứu bảo đảm an toàn cho lực lượng và phương tiện.
Ban CHQS các huyện, TX, TP ven biển phối hợp với Đồn Biên phòng trên địa bàn và các cơ quan chức năng của địa phương thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động di chuyển về nơi tránh trú an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các loại tàu, thuyền.
Đến thời điểm này, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất với nỗ lực cao nhất để sẵn sàng giúp nhân dân ứng phó, xử lý các tình huống.
Phạm Tăng - Nguyễn Chiến - Văn Đảm - Bùi Niên - Ngân Hà - Thu Báu - Thanh Nga (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()