Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:20 (GMT +7)
Chủ động ứng phó mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt
Thứ 3, 22/08/2023 | 06:22:20 [GMT +7] A A
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, gây sạt lở tại nhiều khu vực trong cả nước, ngày 6/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 726/CĐ-TTg chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Thực hiện theo tinh thần Công điện, Quảng Ninh đã tập trung rà soát, chủ động xây dựng các kế hoạch khắc phục, ứng phó. Đặc biệt, ngành GTVT tăng cường các giải pháp đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường.
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, ngày 8/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2145/UBND-KTTC yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2023 với tinh thần chủ động, không lơ là, mất cảnh giác trong mọi tình huống thiên tai. Với phương châm "3 trước" (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước), “4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ), Sở GT-VT đã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp phòng, chống để hạn chế thấp nhất những tác động khi mưa lũ.
Sở cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, xác định rõ nhiệm vụ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, từ đó phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, kịp thời nắm bắt công tác chỉ đạo, tình hình thời tiết; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, nhà đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch, phương án nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2023; tập trung khắc phục xong những hư hỏng của công trình giao thông do ảnh hưởng bão, lũ năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thực hiện rà soát, tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, xác định các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao, đề xuất phương án khắc phục; kiểm tra hệ thống thoát nước đảm bảo thông thoát khi có mưa lớn; tăng cường công tác bảo dưỡng báo hiệu đường thủy nội địa đảm bảo phát huy tốt khả năng báo hiệu trong mùa mưa bão.
Theo kết quả rà soát đến ngày 18/8, Sở GT-VT đã phát hiện có tổng số 127 vị trí xung yếu xuất hiện chủ yếu tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Trong đó QL18 có 4 điểm nguy cơ sạt lở và ngập lụt; QL18C có 13 điểm nguy cơ sạt lở, 2 điểm nguy cơ ngập lụt. Đối với các tuyến đường tỉnh, tỉnh lộ 330 rà soát có đến 25 vị trí nguy cơ sạt lở và ngập lụt, tiềm ẩn nguy cơ gây chia cắt khi có mưa lũ.
Để đảm bảo an toàn cho người dân và hoạt động giao thông trên các tuyến đường, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đơn vị hợp đồng quản lý và các chủ đầu tư dự án BOT trên địa bàn tỉnh tăng cường đẩy mạnh xử lý, khắc phục. Đặc biệt đối với các vị trí đèo dốc, xung yếu có khả năng sụt trượt, đứt đường, cần huy động nhân lực, phương tiện máy móc, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, gia cường mặt đường bị hư hỏng; triển khai sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu, thanh thải lòng cầu, lòng cống, chặt tỉa, đốn hạ cây có thể gây mất an toàn.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường, bố trí người trực gác 24/24 giờ tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập nước; kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại các vị trí ngập nước khi có lũ xuất hiện; chủ động xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông, dự phòng nguyên vật liệu (đá hộc, rọ thép, ống cống...) tại các vị trí trung tâm, dễ lấy, dễ vận chuyển; có phương án huy động nhân lực, vật tư thiết bị phải sẵn sàng, tổ chức khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước trước khi có mưa, lũ, sẵn sàng dọn dẹp đất, đá sạt lở và đảm bảo giao thông. Việc khắc phục thiệt hại phải đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả, an toàn và đúng quy định; phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.
Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập ứng cứu tai nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn trọng điểm để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT&TKCN tại các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh nắm bắt tình hình thời tiết, tàu thuyền, số lượng khách du lịch ra Vịnh, xã đảo để kịp thời có biện pháp xử lý. Đối với các dự án giao thông đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phương án riêng, cụ thể, sát với thực tế để chủ động phòng chống mưa bão; đảm bảo đúng tiến độ thi công đã cam kết; quan tâm đặc biệt đến việc thoát nước, xử lý những mái taluy âm dương có nguy cơ sạt lở cao tại các vị trí thi công gần khu dân cư, đăng ký sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, thiết bị khi có huy động.
Sở GT-VT cũng tăng cường phối hợp với các địa phương, nhất là địa phương có đường giao thông qua địa hình đồi núi, có nhiều vị trí nền đường đào, mái ta luy dương cao tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá trôi tràn xuống mặt đường... hỗ trợ thực hiện công tác đảm bảo giao thông, xác định ngay các vị trí đổ thải tạm đất đá sạt lở trên các tuyến đường thuộc địa bàn. Đồng thời, thiết lập đầu mối thông tin liên lạc, nâng cao công tác dự báo, tổ chức ứng trực, cập nhật thông tin báo cáo kịp thời về Sở khi xảy ra thiên tai.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()