Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:28 (GMT +7)
Chủ động từ công tác phòng ngừa bệnh lao
Thứ 4, 20/03/2024 | 12:50:08 [GMT +7] A A
Bệnh lao là một trong số bệnh truyền nhiễm gây tử vong. Do đó, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng và điều trị bệnh lao hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần có những biện pháp chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh tránh được việc mắc bệnh lao, qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe, giảm thiểu tối đa thiệt hại, ổn định cuộc sống.
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam hiện vẫn là nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.
Tại Quảng Ninh, hằng năm toàn tỉnh đã phát hiện và thu nhận điều trị từ khoảng 1.100-1.300 bệnh nhân lao các thể. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân lao có xu hướng tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2021 là 954 bệnh nhân, năm 2022 là 1.096 bệnh nhân, năm 2023 là 1.122 bệnh nhân.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacteriumtubercurosis) gây nên, có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể phổ biến nhất. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do người lành hít phải các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao của người mắc lao phổi giai đoạn tiến triển, ho khạc, hắt hơi ra ngoài không khí.
Những yếu tố liên quan đến sự lây truyền bệnh lao phụ thuộc số lượng vi khuẩn lao do người bệnh khạc ra và sự thông khí tại khu vực phơi nhiễm; thời gian tiếp xúc của người lành với các hạt khí dung bị nhiễm vi khuẩn lao; mức độ vi khuẩn càng nhiều, thời gian tiếp xúc thường xuyên tiên tục tỷ lệ lây nhiễm càng cao.
Các vi khuẩn lao này có thể qua đường máu hay bạch huyết để lan truyền đến những bộ phận nội tạng khác trong cơ thể người bệnh và gây bệnh lao tại đó. Bệnh lao thường gặp ở tất cả mọi lứa tuổi và giới tính, nhất là những người sống trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với người mắc bệnh.
Các triệu chứng ở mỗi bệnh lao thường khác nhau. Đơn cử như với bệnh lao phổi, người bệnh thường ho kéo dài liên tục hơn 2 tuần, ho khan, ho đờm, hoặc nghiêm trọng hơn là ho ra máu; cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, giảm cân và mất cảm giác thèm ăn; đau ngực, thậm chí là khó thở; ra mồ hôi vào ban đêm và có biểu hiện sốt nhẹ về chiều. Muốn có kết quả chuẩn đoán chính xác, người bệnh cần thiết phải làm những xét nghiệm chuyên biệt để có phác đồ điều trị phù hợp.
Để phòng, chống bệnh lao, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình chiến lược quốc gia về phòng, chống lao. 100% huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có tổ lao hoạt động hiệu quả. Mạng lưới phòng chống lao được triển khai đến 100% các xã, phường trong toàn tỉnh. Các sở, ban, ngành và địa phương thường xuyên phối hợp triển khai hoạt động tuyên truyền phòng, chống lao. Hằng năm, cán bộ tham gia công tác phòng, chống lao đều được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức mới, giúp nâng cao năng lực chuyên môn. Các cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở đều chủ động triển khai những kỹ thuật mới để điều trị.
Đặc biệt, tháng 10/2023, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh được đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng vốn đầu tư 546 tỷ đồng bằng kinh phí của TKV và ngân sách tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khang trang, hiện đại, thực hiện khám bệnh trung bình trên 16.600 lần/năm, số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình trên 5.000 lượt bệnh nhân/năm. Nhờ đó, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao thường đều đạt >90%, trong đó, bệnh nhân lao kháng thuốc đạt 72%.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh lao, hiện có biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng chống lao cho trẻ sơ sinh theo chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng. Ngoài ra, việc duy trì thói quen ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; tránh xa các chất gây nghiện; giữ gìn môi trường làm việc, nơi ở sạch sẽ, thoáng mát là biện pháp phòng ngừa bệnh lao hiệu quả. Việc duy trì thói quen sinh hoạt khoa học cũng là một biện pháp quan trọng giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn lao.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()