Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:00 (GMT +7)
Chủ động từ các trường học trong việc phòng chống bệnh đau mắt đỏ
Thứ 5, 19/10/2023 | 16:06:51 [GMT +7] A A
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, hoặc tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng. Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch yếu, thường xuyên tiếp xúc với nhau trong môi trường học đường nên dễ lây truyền bệnh đau mắt đỏ. Do đó, các trường học ở Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống lây truyền bệnh.
Từ tháng 9 tới nay, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) đã ghi nhận 61 trường hợp học sinh bị đau mắt đỏ. Ngay khi ghi nhận những ca mắc đầu tiên, nhà trường đã chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện biện pháp vệ sinh phòng dịch, hướng dẫn học sinh phòng dịch, phát hiện sớm ca mắc.
Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, cho biết: Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp quan sát thống kê số học sinh bị đau mắt đỏ, thông báo với bộ phân y tế, phối hợp với trạm y tế để tiếp tục phòng dịch. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ lớp học, bàn ghế, đồ dùng.
Còn tại Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long), cô giáo Trịnh Kim Nguyệt cho biết: Nhà trường đã gửi đến các phụ huynh những thông tin hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng bệnh đau mắt đỏ để lưu ý, hướng dẫn các con. Đồng thời, trường cũng tăng cường triển khai công tác khử khuẩn, đặc biệt là khu vực tổ chức bán trú, các lớp học, cầu thang, khu vực sinh hoạt chung và động viên giáo viên, học sinh bị đau mắt đỏ đi khám, điều trị khỏi ổn định mới trở lại trường học.
Các trường mầm non là nơi trẻ sinh hoạt ăn, ngủ, chơi, học tập cùng nhau trong thời gian dài, nên khả năng lây truyền bệnh cao. Để phòng, chống dịch đau mắt đỏ, các trường mầm non đã tích cực phối hợp với gia đình và trạm y tế xã, phường thực hiện nhiều giải pháp.
Chị Đặng Thị Thanh Hiền, Chủ cơ sở mầm non độc lập Sao Khuê (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cho biết: Để phòng bệnh đau mắt đỏ và tránh lây truyền bệnh trong cơ sở, tại các lớp, tất cả trẻ đều được trang bị đồ dùng riêng như cốc uống nước, khay thức ăn, khăn mặt… Các cô giáo thường xuyên vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ, đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà… để các con sử dụng hằng ngày đảm bảo sạch sẽ. Nhà trường cũng thông tin về bệnh đau mắt đỏ cho các phụ huynh, đồng thời theo dõi sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm những trẻ có dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ để thông báo đến phụ huynh cho con nghỉ ở nhà điều trị, hạn chế lây lan bệnh cho các bạn cùng lớp.
Chị Nguyễn Thị Nga (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: Chúng tôi được cô giáo gửi thông tin về bệnh đau mắt đỏ trên nhóm zalo của lớp, nên khi phát hiện con có dấu hiệu bị đau mắt đỏ, tôi đã cho con nghỉ học để tránh lây cho các bạn cùng lớp và đưa con khám điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Do đường lây trực tiếp qua đường hô hấp, hoặc gián tiếp qua việc tiếp xúc với những vật dụng có nhiễm mầm bệnh, môi trường học đường được đánh giá là nơi dễ lây lan dịch bệnh đau mắt đỏ. Thời điểm học sinh quay lại trường học trùng với thời điểm giao mùa nên nhiều dịch bệnh lây nhiễm dễ phát sinh. Để chủ động phòng các bệnh lây nhiễm, trong đó có đau mắt đỏ, từ đầu năm tới nay ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch. Việc chủ động phòng dịch trong trường học, kể cả khi chưa xuất hiện các ca mắc vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo môi trường học tập cho trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý, chủ động phòng bệnh cho con em mình.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()