Tất cả chuyên mục

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 25/2, toàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương có nguy cơ lớn bị xâm nhiễm loại dịch bệnh nguy hiểm này. Nếu xảy ra dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn, bởi hiện chưa có thuốc phòng và chữa trị, 100% lợn mắc bệnh đều chết.
[links()]
![]() |
Người chăn nuôi xã Quảng Long, huyện Hải Hà kiểm tra, nhận biết tình hình đàn lợn nuôi để phòng, tránh dịch bệnh. |
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích: Các con đường có thể xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào Quảng Ninh rất rộng, thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín; qua các hoạt động du lịch, thương mại và qua vật chủ trung gian như các loại chim di cư...
Hiện sản lượng lợn chăn nuôi tại chỗ của Quảng Ninh chiếm chưa tới 60% nhu cầu thị trường nên Quảng Ninh đang là vùng tiêu dùng lợn và sản phẩm thịt lợn cho các địa phương khác. Điều này khiến công tác kiểm soát, ngăn chặn thẩm lậu lợn và sản phẩm từ lợn không an toàn vào tỉnh gặp khó khăn. Địa bàn Quảng Ninh có đường biên giới dài trên bộ với Trung Quốc, có nhiều đường mòn, lối mở, cư dân hai bên qua lại, thăm thân, không tránh khỏi hiện tượng lén lút vận chuyển hàng hóa với số lượng nhỏ. Ngoài ra, Quảng Ninh còn là tỉnh du lịch, hằng năm đón trên 10 triệu lượt khách trong và ngoài nước, không loại trừ các trường hợp du khách mang theo đồ dùng cá nhân, trong đó có sản phẩm thịt lợn từ các vùng đang có dịch tả lợn châu Phi...
Đặc biệt, diễn biến dịch tả lợn châu Phi trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng sự bùng phát, lây lan và đặc biệt ảnh hưởng lớn đến Quảng Ninh. Tính từ thời điểm xuất hiện trở lại của dịch tả lợn châu Phi trên thế giới vào năm 2017, đến nay dịch đã bùng phát tại 20 nước, buộc tiêu hủy 1,08 triệu con lợn các loại. Trong đó, đối với quốc gia láng giềng Trung Quốc, từ ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện ngày 3/8/2018, đến nay đã lan rộng thành 105 vùng dịch tại 25 địa phương trên toàn lãnh thổ, buộc phải tiêu hủy 950.000 con lợn.
Trong nước, chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 19 đến 25/2/2019 đã ghi nhận một số ổ dịch tả lợn châu Phi tại 4 tỉnh, thành là: Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa và Hải Phòng, buộc tiêu hủy 461 con lợn. Đáng nói, các địa phương này khá gần sát với Quảng Ninh và cũng đều là những địa phương thường xuyên cung ứng nguồn lợn, sản phẩm từ lợn cho thị trường tỉnh.
![]() |
Hộ ông Nguyễn Trọng Cường (xã Bình Khê, TX Đông Triều) lấy mẫu giám sát dịch bệnh cho đàn lợn nuôi. |
Để ứng phó, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào nội tỉnh. Trong đó, tỉnh và các ngành, địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, công điện khẩn, chỉ đạo liên quan; thực hiện các hoạt động tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng trên đàn lợn; tiêu độc, khử trùng; kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm; ngăn chặn nhập lậu, sản phẩm không nguồn gốc, kiểm dịch trên địa bàn... Đặc biệt, các địa phương có tổng đàn lợn lớn và là địa phương giáp biên rất chú trọng công tác lập chốt kiểm tra tại đường mòn, lối mở; tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, giết mổ; dự trữ hóa chất phòng, chống, dập dịch...
Tính từ tháng 8/2018 đến nay, các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 7 vụ vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn không nguồn gốc, tiêu hủy gần 1,3 tấn sản phẩm liên quan. 100% vụ việc này đều được đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu sản phẩm để xét nghiệm, xác định nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Giang, trong tình hình hiện nay, các ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, nhất là các biện pháp khẩn cấp ứng phó dịch tả lợn châu Phi, kể cả việc thành lập các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24h. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần bình tĩnh, không tẩy chay sản phẩm từ lợn, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và tâm lý xã hội nói chung, khó khăn cho lực lượng quản lý, bởi thực tế dịch tả lợn châu Phi không xuất hiện trên người, không lây từ lợn sang người.
Việt Hoa
Ý kiến ()