Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:51 (GMT +7)
Chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên đồng ruộng
Thứ 6, 14/04/2023 | 06:46:37 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng của thời tiết, hiện nay trên một số diện tích lúa chiêm xuân tại nhiều địa phương của Quảng Ninh đã xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh trà lúa xuân sớm đang giai đoạn đứng cái - phân hóa đòng, trà lúa xuân muộn đang giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ (khu vực các địa phương miền Tây) và hồi xanh - đẻ nhánh (khu vực miền Đông). Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, qua kiểm tra thực tế tại một số huyện, thị xã, thành phố và báo cáo, trên lúa xuân ở một số địa phương xuất hiện tình trạng sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ trung bình 0,5-1 con/m2, cao hơn từ 3-5 con/m2; một số diện tích có mặt độ cao cục bộ 8-10 con/m2 tại các địa phương: Ba Chẽ, Đầm Hà, Quảng Yên...
Đặc biệt trong điều kiện thời tiết có mưa dài ngày, độ ẩm cao như hiện nay, dự kiến sâu non nở và gây hại tập trung trên các trà lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng, nếu không được phòng trừ kịp thời, sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của các trà lúa, đặc biệt trà lúa trỗ cuối tháng 4.
Tại huyện Đầm Hà, bà con đã gieo trồng trên 1.200ha lúa xuân, gồm các giống: DT 100, DT 120, J02, Khang dân 18, Hương thơm số 1, Nhị ưu 838... Thời điểm này, một số diện tích lúa trên địa bàn xuất hiện tình trạng nhiễm sâu bệnh. Qua thống kê có 10.000m2 nhiễm bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ tập trung tại thôn Đông Thành (xã Quảng An).
Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đầm Hà đã phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát ruộng đồng nắm bắt tình hình phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại lúa; phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân nhận biết và phòng trừ từng loại sâu bệnh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hướng dẫn người dân chăm sóc cho lúa theo đúng quy trình, kỹ thuật; tăng cường kiểm tra, bám sát đồng ruộng kịp thời phát hiện sớm các diện tích tập trung bị nhiễm bệnh với mật độ cao để phòng, trừ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất; thực hiện các biện pháp khống chế dịch, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn.
Vụ xuân này, toàn tỉnh đã gieo trồng 33.172,9ha cây lương thực các loại, trong đó lúa xuân là 15.031ha, ngô 4.249,4ha, lạc 1.519ha, đỗ tương 225,5ha, khoai lang 1.837,5ha, rau xanh các loại trên 8.047ha, cùng một số cây trồng khác... Theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), thời tiết trong những tháng đầu năm có độ ẩm cao, có những đợt lạnh, nóng ẩm thất thường, dẫn đến dễ phát sinh sâu bệnh hại cây trồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã điều tra, phát hiện tình hình sinh vật gây hại, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các huyện, thị xã, thành phố để triển khai phương án phòng, chống dịch hại cây trồng đến cấp xã. Dự báo thời gian tới, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chuyên môn, người dân cần tiếp tục chủ động thăm đồng, theo dõi diễn biến sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng chú trọng công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật nhằm giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế thiệt hại về kinh tế do việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định.
Thời điểm này, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chú ý bón phân thúc đòng đúng thời điểm, giữ mực nước trên ruộng hợp lý; tăng cường tổ chức diệt chuột bằng nhiều biện pháp; chủ động kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh đạo ôn, đặc biệt là trên các ruộng gieo dày, bón phân không cân đối, các giống nhiễm. Những ruộng bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón phân và phun trừ kịp thời theo đúng liều lượng; chú ý mật độ rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ trên cây lúa; bệnh héo rũ, lở cổ rễ trên cây lạc; sâu keo mùa thu trên cây ngô... để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()