Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:47 (GMT +7)
Chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại
Thứ 3, 12/05/2020 | 07:54:03 [GMT +7] A A
Theo dự báo của cơ quan nông nghiệp tỉnh, thời tiết vụ Đông - Xuân năm nay đang có những diễn biến khó lường, là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát. Vì vậy, các địa phương cần chủ động công tác tuyên truyền, đảm bảo nguồn cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ người dân kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Vụ Đông - Xuân năm nay, TP Hạ Long gieo cấy trên 1.240ha lúa và trên 550ha cây màu ngắn ngày các loại. Trong đó, có khoảng 180ha lúa xuân sớm đang trong giai đoạn đòng già, trỗ; trên 1.060ha lúa xuân muộn, đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng.
Người dân xã Dân Chủ, TP Hạ Long, chăm sóc hoa màu vụ Đông - Xuân. |
Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố, hiện trên địa bàn đã có trên 200ha lúa nhiễm các loại sâu bệnh, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó số diện tích bị bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ chiếm diện tích lớn. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ dày, diện tích nhiễm khoảng 100ha, tập trung tại các xã: Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Bằng Cả và các phường: Hà Khẩu, Hà Phong, Đại Yên,...
Bệnh đạo ôn đang gây hại với diện tích nhiễm khoảng 50ha, tập trung tại các xã: Quảng La, Dân Chủ, Bằng Cả, Tân Dân. Ngoài ra, trên 50ha nhiễm các loại bệnh như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, phân bố rải rác. Một số diện tích lúa và cây hoa màu bị chuột phá hoại.
Không chỉ ở TP Hạ Long, ở một số địa phương khác trong tỉnh như huyện Bình Liêu, cây lúa đang giai đoạn bén rễ, đã xuất hiện một số sâu bệnh gây hại. Như bệnh đạo ôn ở bản Phạt Chỉ, Phai Làu (xã Đồng Văn); Bản Ngày, Ngàn Chi, Mạ Chạt (xã Vô Ngại), Ngàn Pạt (xã Lục Hồn). Sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác các xã, thị trấn.
Dự báo trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết như hiện nay, bệnh đạo ôn gây hại phổ biến 2-10%, thậm chí ảnh hưởng đến 30%; sâu cuốn lá nhỏ gây hại phổ biến 10-30 con/m2, có thể đến 80 con/m2. Nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây lụi cục bộ và bạc trắng lá, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa.
Được biết, đến hết tháng 4, toàn tỉnh gieo trồng được 34.250ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 99,6% kế hoạch vụ Đông - Xuân năm 2020. Để đảm bảo năng suất các loại cây trồng, các cơ quan chuyên môn tích cực kiểm tra đồng ruộng, đồng thời thông báo, dự báo tình hình dịch hại giúp nông dân chủ động công tác phòng trừ sâu bệnh hại. Hiện nay, cây lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, chuẩn bị đứng cái, làm đòng, người nông dân cần tích cực chăm sóc lúa và các cây hoa màu.
Người dân xã Quảng An, huyện Đầm Hà, thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh. |
Theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), bà con cần chủ động bám ruộng, bám đồng và triển khai các biện pháp khống chế ngay khi phát hiện sâu, bệnh hại. Nếu ở phạm vi hẹp nên cắt hết những lá lúa bị nhiễm bệnh để xử lý.
Việc phát hiện, diệt trừ sớm sâu bệnh được diệt ngay ở dạng mầm mống sẽ không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa non, đồng thời, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Vụ Đông - Xuân là vụ cây trồng đặc biệt quan trọng, chiếm trên 60% tổng sản lượng lúa, màu cả năm. Vì vậy, sự chủ động trong dự báo sớm của các ngành chức năng, tinh thần chủ động, quyết liệt của chính quyền các địa phương, cũng như sự tích cực của nhân dân trong công tác phòng, trừ sâu bệnh, sẽ góp phần giữ vững sản lượng cây trồng, đảm bảo tốt nhất an ninh lương thực cho địa phương.
Biện pháp khống chế sâu bệnh hại: - Nếu ở phạm vi hẹp nên cắt hết những lá lúa bị nhiễm bệnh để xử lý. - Trong trường hợp sâu bệnh đã lan rộng, người dân cần thông báo cho cán bộ phụ trách, xác định sâu bệnh và mua thuốc theo đúng hướng dẫn. - Người dân có thể phun phòng bệnh bằng các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole, Fenoxanil, Azoxystrobin, Difenoconazole... khi lúa trỗ 5%. Những nơi áp lực bệnh cao phun lần 2 sau khi lúa trỗ hoàn toàn; điều tra các ổ rầy nâu, rầy lưng trắng trên các trà lúa giai đoạn sau trỗ để chỉ đạo phun trừ kịp thời không để cháy rầy trên diện rộng. - Người dân cần chăm sóc và bón phân tập trung vào các đợt bón thúc, không bón đón đòng để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của bệnh bạc lá trong trường hợp gặp mưa, gió lớn. - Các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả. |
Hoàng Quỳnh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()