Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:33 (GMT +7)
Chủ động phòng tránh một số bệnh dễ mắc phải khi giao mùa
Thứ 5, 21/10/2021 | 08:09:17 [GMT +7] A A
Thời điểm giao mùa là lúc thời tiết thay đổi đột ngột cả về nhiệt độ, độ ẩm, yếu tố này tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với trẻ em. Vì vậy, cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19, người dân cũng cần nâng cao ý thức, chủ động trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện vào thời gian giao mùa. Khoảng từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm - là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, dễ bùng phát dịch SXH. Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 19/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 381 ca mắc SXH. Chỉ tính riêng TP Hạ Long là 296 ca, đặc biệt ở ổ dịch phường Hồng Hải đã ghi nhận 214 ca; còn lại rải rác ở các phường Hồng Hà, Hồng Gai…
Tại TX Quảng Yên ghi nhận 55 ca mắc SXH, trong đó ổ dịch tại khu 3 và 4, phường Quảng Yên có 42 ca. Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Cử, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, TTYT Quảng Yên, cho biết: Từ đầu tháng 9 đến tháng 10, số bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị tăng cao, có thời điểm 6 đến 7 ca/ngày. Đa số ca bệnh có triệu chứng nhẹ và vừa, được điều trị ngay tại đơn vị; khỏi bệnh xuất viện sau 5 đến 7 ngày điều trị. Tuy nhiên, đơn vị cũng ghi nhận khoảng chục ca bệnh diễn biến nặng hơn, xuất huyết, giảm tiểu cầu, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu chân răng, rong kinh kéo dài phải chuyển tuyến trên điều trị.
Theo ghi nhận trong 2 tuần gần đây, số ca mắc SXH tại các ổ dịch có xu hướng giảm, nhưng số mắc hàng tuần vẫn ở mức tương đối cao. Bệnh SXH hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Khi bị SXH, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.
Thời tiết giao mùa như hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các bệnh về hô hấp. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận gần 500 lượt trẻ tới khám và nhập viện, trong đó chiếm 70% mắc các bệnh về hô hấp.
Bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu lưu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Khi sự biến đổi nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu. Bên cạnh đó, các vi rút gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền nhanh hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm và đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến.
Đau mắt đỏ là căn bệnh thường xảy ra khi chuyển mùa, bởi đây là thời điểm sức đề kháng của cơ thể yếu nhất. Vì thế, vi khuẩn, vi rút gây bệnh thường tranh thủ lúc này để xâm nhập vào cơ thể. Một số biểu hiện thường thấy, như: Mắt đỏ, chảy nước mắt, mắt bị sưng… Theo các chuyên gia y tế, mọi người nên giữ vệ sinh cá nhân và nơi sống để phòng bệnh. Vì căn bệnh này dễ lây lan nên mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Tuyệt đối không được dùng chung khăn, chậu rửa mặt. Hơn nữa, khi ra ngoài cần đeo kính, sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày cũng là cách để phòng bệnh.
Và thời tiết chuyển mùa lạnh cũng khiến những người mắc bệnh tim mạch có những biến chứng không tốt, ảnh hưởng tới sức khoẻ như suy tim, đột quỵ, tai biến gấp 15% các mùa khác. Đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người. Một bệnh mà gần như thay đổi thời tiết ai cũng sẽ mắc phải đó là chứng dị ứng thời tiết, như phát ban, mẩn ngứa, da khô nứt nẻ…
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt. Qua gần 3 tháng, Quảng Ninh không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện giao thương kinh tế, mầm bệnh hoàn toàn có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh và lây lan bất cứ lúc nào. Nếu dịch chồng dịch xảy ra, sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị người bệnh.
Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh khi giao mùa, nhất là bệnh truyền nhiễm như Covid-19, mọi người dân cần tuân thủ theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng như các loại vắc-xin phòng bệnh khác đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là với trẻ em. Bên cạnh đó, tăng cường dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng giúp mọi người có hệ miễn dịch vững vàng. Mặt khác, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày để phòng chống dịch bệnh.
Tường Vi
- Thích ứng an toàn, không chủ quan trước dịch bệnh
- Củng cố năng lực trạm y tế cấp xã và y tế học đường trong thực hiện thích ứng an toàn với dịch bệnh
- Triển khai xây dựng hoàn thiện Bộ tiêu chí an toàn và xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19
- Người dân, doanh nghiệp tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh
- Xây dựng các kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19
Liên kết website
Ý kiến ()