Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:31 (GMT +7)
Chủ động phòng ngừa tham nhũng, lãng phí
Thứ 7, 16/04/2022 | 11:00:55 [GMT +7] A A
Với phương châm "lấy phòng ngừa làm biện pháp hàng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí", tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, công khai quy chế hoạt động, danh mục, quy trình giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện thanh tra, giám sát chéo giữa các bộ phận, với sự vào cuộc tích cực của CBCCVC và người dân.
Nhằm chủ động ngăn ngừa các vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, đơn vị, cuối năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 09-CTr/TU (ngày 8/12/2021) về công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tỉnh Quảng Ninh năm 2022; UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2022 (Quyết định số 4588/QĐ-UBND ngày 22/12/2021). Mục tiêu của tỉnh là thông qua các chương trình kiểm tra, giám sát, góp phần chủ động phòng ngừa, răn đe, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và đảng viên; mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2022 với vai trò, trách nhiệm cao của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Trong đó, đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo quản lý, từng CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý.
Đến hết quý I/2022, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng quy chế hoạt động, làm việc của từng vị trí công tác năm 2022, gắn với trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên; thực hiện công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan, từ công khai tài chính, tiền thưởng, chế độ làm việc, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trong cơ quan đến danh mục, quy trình giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị có đặc thù, thường xuyên có hoạt động tiếp xúc dân, giải quyết TTHC công bố danh sách, số điện thoại, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, thu thập phản ánh ý kiến của tổ chức, công dân về hoạt động của CBCCVC.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tất cả TTHC được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, cũng như trên hệ thống cổng thông tin điện tử thành phần. Hiện đã có 1.315 TTHC được niêm yết công khai, thực hiện tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trong đó, 1.266 TTHC của các sở, ngành; 13 TTHC của các cơ quan Trung ương và 18 TTHC của doanh nghiệp. Hiện có 931/1.266 TTHC giải quyết của các sở, ngành được thực hiện giải quyết theo 5 nguyên tắc tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả).
Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân cho biết: Việc niêm yết công khai các TTHC và giải quyết TTHC theo 5 nguyên tắc tại chỗ ở trung tâm giúp tổ chức, công dân thực hiện chức năng giám sát đối với các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết hồ sơ TTHC, cắt giảm được thời gian phải đi lại nhiều lần giữa các sở, ban, ngành. Từ đó, ngăn chặn tình trạng móc nối, cấu kết, xin - cho trong giải quyết TTHC...
Còn tại Sở Tài chính, đơn vị đã thực hiện thẩm định giá các loại tài sản mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc công khai minh bạch trong việc quản lý và sử dụng NSNN và các khoản thu, chi khác.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra tỉnh và các địa phương đã tổ chức 14 đoàn thanh tra toàn diện việc chấp hành chính sách pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; giám sát việc chấp hành chính sách, nghị quyết, pháp luật, hoạt động thực thi công vụ của cơ quan hành chính và CBCCVC trong phục vụ nhân dân.
Qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát trong quý I, chưa phát hiện cán bộ, đảng viên, viên chức trong các cơ quan, đơn vị vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí. Điều này khẳng định công tác phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, có chiều sâu, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Từ đó, tạo dựng uy tín của người dân đối với tổ chức đảng, chính quyền địa phương, góp phần tích cực trong củng cố, xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()