Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:45 (GMT +7)
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Thứ 6, 19/07/2024 | 10:26:01 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Vũ Đình Nhân, Tổ đại biểu Cẩm Phả; đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga, Tổ đại biểu Quảng Yên chất vấn nội dung: Các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và những khuyến cáo đối với người dân?
Phó Giám đốc Công an tỉnh trả lời:
06 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ và số tiền bị thiệt hại (Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận, xử lý 56 vụ việc, tăng 20 vụ việc, tăng 47,9 tỷ đồng số tiền thiệt hại so với cùng kỳ năm 2023).
Nạn nhân của loại tội này thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, thường là người cao tuổi, phụ nữ, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng. Với mỗi loại nạn nhân ở từng độ tuổi khác nhau, các đối tượng sẽ thực hiện phương thức dẫn dụ khác nhau với mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin cá nhân và sau đó chiếm đoạt tài sản.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là:
Công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa lan tỏa sâu rộng đến toàn thể nhân dân. Bị hại đa phần đều chủ quan, thiếu ý thức cảnh giác, chưa có kiến thức về tự bảo vệ thông tin cá nhân, chưa cập nhật phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Từ thực tiễn công tác điều tra, xác minh, Công an tỉnh xác định phần lớn các đối tượng thuộc các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động ở nước ngoài nên công tác đấu tranh của lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn (06 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh chỉ làm rõ 03/56 vụ = 5,4%, bắt giữ 03 đối tượng).
Một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, chưa theo kịp những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay (như các quy định về cung cấp, thu thập, bảo quản, đánh giá chứng cứ điện tử phục vụ công tác điều tra, xử lý).
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, ngân hàng còn nhiều sơ hở, nổi lên là: vấn đề sim “rác” chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ; vẫn còn kẽ hở trong quy trình xác minh mở tài khoản ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) để cho các đối tượng lợi dụng mở nhiều tài khoản “ảo”, tài khoản không chính chủ nhằm thực hiện các giao dịch chuyển/nhận tiền để tẩu tán số tiền lừa đảo của bị hại; các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng có những quy định chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu khách hàng... nên gây khó khăn cho công tác phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xác minh, xử lý loại tội phạm này.
Hoạt động của tội phạm này rất tinh vi, chuyên nghiệp, thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn, có tính chất xuyên quốc gia, lợi dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh của cơ quan Công an.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hiệu quả tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:
Vẫn phải đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với từng nhóm đối tượng để người dân hiểu biết và nâng cao cảnh giác, phòng ngừa với loại tội phạm này.
Làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, thường xuyên rà soát, kiểm tra lưu trú, tạm trú, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để tổ chức đấu tranh, xử lý.
Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ, phát sinh tội phạm như: tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng, sử dụng sim thẻ điện thoại di động; hoạt động mở tài khoản ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), hoạt động mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan đến sim “rác” tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; vấn đề tài khoản ngân hàng “ảo”, tài khoản ngân hàng không chính chủ tại các ngân hàng thương mại nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả các yêu cầu của lực lượng Công an trong xác minh, xử lý tội phạm.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng. Trước mắt, cần xây dựng cơ chế phối hợp xử lý nhanh, có hiệu quả nhằm ngăn chặn tội phạm và hạn chế tối đa hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra, bao gồm các biện pháp như phong tỏa tài khoản; đình chỉ, tạm dừng các giao dịch đáng ngờ: kiểm tra, xác minh các giao dịch ngân hàng trực tuyến, các tài khoản có giao dịch bất thường.... tạo cơ chế thuận lợi cho cơ quan Công an trong phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm.
Phối hợp nghiên cứu, triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng chuyên trách nhằm cập nhật những công nghệ, phương thức điều tra mới. Tùng bước đề xuất trang bị, nâng cấp các thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại theo lộ trình phù hợp nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Một số khuyến cáo đối với người dân:
Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật những nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng do lực lượng Công an cơ sở cung cấp trên các nhóm Zalo của thôn, bản, tổ dân khu phố. Thực hiện tốt "5 không": Không đưa lên mạng xã hội hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân; không cung cấp mật khẩu, mã OTP của ngân hàng, ví điện tử cho người khác; không click vào những đường link lạ, có chứa mã độc trên các website; không đứng tên hộ người khác để mở tài khoăn, mở thẻ, đăng ký dịch vụ tại Ngân hàng điện tử; không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào khi nghi ngờ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi gặp các trường hợp nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đã trót chuyển tiền cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, ngân hàng để được hướng dẫn giải quyết.
Người dân trong quá trình sinh hoạt tại khu dân cư, nhất là các căn hộ cho thuê tại khu chung cư cao tầng, nếu phát hiện đối tượng có các biểu hiện nghi vấn (như giờ giấc sinh hoạt bất thường, không có nghề nghiệp, thường xuyên đi lại giữa ngân hàng và chỗ ở; các căn hộ có người thuê nhưng không ở mà lắp đặt thiết bị tổng đài...); số đối tượng là thanh niên thường xuyên xuất nhập cảnh hoặc đã xuất cảnh theo diện du lịch đến các nước Campuchia, Philippines, Myanmar, Lào, Malaysia nhưng quá hạn chưa trở về Việt Nam, có biểu hiện bất minh về tài chính... thì kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để xác minh, làm rõ.
Ngọc Ánh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()